Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan
Hợp đồng, giao dịch giữa công ty cổ phần với người có liên quan phải được Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông chấp thuận nhằm đảm bảo tính pháp lý và sự chính xác cho hợp đồng, giao dịch đó và quyền lợi của các bên khi tham gia giao dịch. Để hiểu rõ hơn về việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật doanh nghiệp 2020
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Người liên quan trong công ty cổ phần là gì?
Theo quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 thì Người có liên quan là cá nhân, tổ chức có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
– Công ty mẹ, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ;
– Công ty con, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty con;
– Cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của công ty;
– Người quản lý doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên;
– Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên, thành viên và cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;
– Cá nhân là người đại diện theo ủy quyền của công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản 23 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020
– Doanh nghiệp trong đó cá nhân, công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 23 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của công ty.
2. Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan
STT | Nội dung giao dịch | Thẩm quyền chấp thuận | |
Đại hội đồng cổ đông | Hội đồng quản trị | ||
1 | Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ; | Có giá trị lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty | Có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty |
2 | Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ; | Có giá trị lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty | Có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty |
3 | Doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Luật doanh nghiệp 2020 | Có giá trị lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty | Có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty |
4 | Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó. | Có thẩm quyền | Không có thẩm quyền |
5 | Hợp đồng, giao dịch khác ngoài hợp đồng, giao dịch tại 04 trường hợp nêu trên. | Có thẩm quyền | Không có thẩm quyền |
Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng, giao dịch theo quy định khoản 1 Điều 167 Luật doanh nghiệp 2020 và có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết.
Trường hợp chấp thuận hợp đồng, giao dịch theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật doanh nghiệp 2020, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên về đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của hợp đồng, giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trường hợp này, cổ đông có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết; hợp đồng, giao dịch được chấp thuận theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 148 của Luật doanh nghiệp 2020, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Như vậy, pháp luật doanh nghiệp được ban hành đã đưa ra quy định cụ thể về việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các chủ thể là người có liên quan. Việc ban hành quy định này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình các bên ký kết hợp đồng và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.
3. Hậu quả khi hợp đồng, giao dịch chưa được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận
Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu theo quyết định của Tòa án và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết không đúng với quy định tại Điều này; người ký kết hợp đồng, giao dịch, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.
Ngoài ra, Công ty phải công khai hợp đồng, giao dịch có liên quan theo quy định của pháp luật có liên quan. Công ty phải cập nhật danh sách những người có liên quan của công ty và các giao dịch tương ứng của họ với công ty và thông báo Danh sách này cho Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên. Danh sách người có liên quan và lợi ích có liên quan được lưu giữ tại trụ sở chính của doanh nghiệp; trường hợp cần thiết có thể lưu giữ một phần hoặc toàn bộ nội dung Danh sách nói trên tại các chi nhánh của công ty. Cổ đông, đại diện theo ủy quyền của cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác có quyền xem xét, trích lục và sao một phần hoặc toàn bộ nội dung.
Trên đây là những thông tin cơ bản về thông qua hợp đồng, giao dịch với người có liên quan trong Công ty cổ phần. Để tránh các rủi ro pháp lý khi thực hiện các hợp đồng này, Quý khách hàng có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Xem thêm:
- Quyền được cung cấp thông tin của thành viên Hội đồng quản trị
- Mối quan hệ của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần