Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị xử lý như thế nào?

Tóm tắt câu hỏi: Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị xử lý như thế nào?

Luật sư cho em hỏi về vấn đề sau: Em và người yêu đã có quan hệ trước hôn nhân, nhưng em không phải hoàn toàn tự nguyện, giờ em đã mang thai sắp đến ngày sinh, nhưng từ phía gia đình anh ấy không quan tâm gì tới em, bỏ mặc em. Vì em không đi làm được nên chỉ ở nhà, em có điện thoại cho anh ấy nói với anh phụ gia đình em lo cho em tiền sữa và sinh hoạt trong lúc mang thai đến ngày sinh, nhưng anh ấy từ chối. Anh ấy còn kêu người thân anh ấy nhắn tin vào điện thoại sỉ vả, mắng chửi em đủ điều, trong khi tức giận em cũng có nói sẽ không để cho anh ấy yên, nhưng em chỉ nói thôi, chứ em không có làm được gì. Vậy em có được quyền lợi gì không khi muốn kiện anh ấy đã chà đạp lên nhân phẩm của em, không có trách nhiệm và từ bỏ quyền, nghĩa vụ của người cha. Và anh ấy có bị tội gì không? còn em và con em có được cấp dưỡng không. Nếu em muốn làm đơn thưa thì em phải làm sao và gửi ở đâu? Giải đáp giùm e.

Người gửi: Hồ Thị Mỹ Dung

Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm bị xử lý như thế nào

Luật sư tư vấn:

Xin chào chị! Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi về cho công ty Luật Phạm Law. Đối với câu hỏi của chị công ty Luật Phạm Law xin được tư vấn như sau:

1. Quy định của pháp luật hiện hành về tội làm nhục người khác

Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Người phạm tội phải là người dùng lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo quay clip..vv

Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”

Như vậy, khi nhận thấy danh dự nhân phẩm của mình bị xâm phạm chị có quyền khởi kiện dân sự có kèm nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình đồng thời yêu cầu người gây ra thiệt hại phải bồi thường.

Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

– Đơn khởi kiện

– Tài liệu chứng minh nội dung khởi kiện là có cơ sở (Tin nhắn mà người yêu chị và người thân của anh ấy đã gửi cho chị)

– CMND, hộ khẩu

Hồ sơ khởi kiện được nộp tại tòa án nhân dân quận/huyện nơi người yêu chị cư trú.

Ngoài ra, nếu đủ cơ sở chứng minh, tùy theo mức độ, hành vi của người yêu chị và người thân anh ấy có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 1 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội  phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 121 Bộ luật hình sự năm 1999 nếu mức độ hành vi xúc phạm là nghiêm trọng: 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Mức độ nghiêm trọng cụ thể của hành vi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: thái độ, nhận thức, mục đích của người phạm tội (mong muốn làm nhục người khác) cường độ và thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm; môi trường diễn ra hành vi xúc phạm, sự tác động cụ thể đối với người bị hại (bị ảnh hưởng về tâm lý). Để truy cứu trách nhiệm hình sự người yêu chị và người thân của anh ấy về tội làm nhục người khác thì việc tiên quyết chị phải chứng minh được rằng: những hành động của người phạm tội đã xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của chị làm chị cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, khiến những người xung quanh có cái nhìn không tốt về chị đồng thời cũng ảnh hưởng đến quan hệ tình cảm, công việc của chị trong cuộc sống đời thường

2. Nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái.

Trên tinh thần của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật dân sự  năm 2015 và các luật khác có liên quan tôn trọng và bảo vệ.

Theo đó, điều 69 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái như sau:

1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”

Như vậy, người yêu chị – bố đứa trẻ phải có nghĩa vụ cùng chị chăm lo, nuôi dưỡng, chăm sóc đứa trẻ. Nghĩa vụ này có thể được thực hiện thông qua việc anh ấy chu cấp tiền hàng tháng cho đứa trẻ (vật chất) hoặc dành thời gian vui chơi cùng đứa trẻ (tinh thần).

Bên cạnh đó, vì đứa trẻ chưa thành niên là con ruột của anh ấy nhưng lại không sống chung với anh ấy cho nên theo Khoản 24 điều 4 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 anh ấy phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Theo đó: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.”. Tiền cấp dưỡng dựa trên nhu cầu sinh hoạt của các con và thu nhập thực tế của anh ấy

Nếu anh ấy không thực hiện nghĩa vụ này chị có thể khởi kiện yêu cầu anh ấy thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho đứa trẻ

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Phạm Law về vấn đề Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị xử lý như thế nào? Nếu có thắc mắc hoặc vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Phạm Law để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Trân trọng cảm ơn!

 

 

 

4/5 - (5 bình chọn)