Vốn có quyền biểu quyết theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020
Hiện nay, Luật doanh nghiệp 2014 đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật doanh nghiệp năm 2020 số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020. Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cập nhật theo quy định pháp luật mới nhất để phù hợp với pháp luật hiện hành.
Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, tôi có một câu hỏi và lĩnh vực doanh nghiệp, mong nhận được ý kiến tư vấn từ Quý luật sư. Gần đây tôi có theo dõi rất nhiều bài tư vấn của Luật Phamlaw về nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp, trong đó có nhiều bài viết về vốn của doanh nghiệp như là vốn điều lệ và mới đây là vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên có một vấn đề khác cũng liên quan đến vốn của doanh nghiệp mà tôi rất quan tâm và muốn tìm hiểu kĩ: Đó là vấn đề về vốn có quyền biểu quyết. Vậy Quý luật sư có thể tư vấn cho tôi về vốn có quyền biểu quyết trong doanh nghiệp được không?
Kính mong được Quý luật sư tư vấn và phản hồi sớm nhất.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)
Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã quan tâm theo dõi các bài viết cũng như gửi câu hỏi đến cho Bộ phận tư vấn pháp luật của Phamlaw. Về thắc mắc của Quý khách, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn qua bài viết dưới đây. Hy vọng bài viết này sẽ giúp Quý khách có thêm kiến thức về vốn có quyền biểu quyết của doanh nghiệp.
Vốn có quyền biểu quyết
Quyền biểu quyết là gì? Biểu quyết là việc thể hiện ý chí của các chủ thể đồng ý hoặc không đồng ý khi quyết định một vấn đề nào đó trong doanh nghiệp thông qua số phiếu nhất định.
Theo quy định tại Khoản 33 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 thì vốn có quyền biểu quyết được định nghĩa như sau: “Vốn có quyền biểu quyết là phần vốn góp hoặc cổ phần, theo đó người sở hữu có quyền biểu quyết về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông”. Vốn có quyền biểu quyết (thông qua chủ sở hữu là các cổ đông có quyền biểu quyết hoặc các thành viên góp vốn trong công ty TNHH) có thể chính là vốn điều lệ nhưng cũng có thể khác với vốn điều lệ. Quyết định của hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần thường được thông qua theo một tỷ lệ phần trăm nhất định tính trên vốn có quyền biểu quyết hoặc vốn điều lệ. Công thức tính tỷ lệ phần trăm này sẽ có sự khác nhau giữa hai loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần bởi lẽ công ty cổ phần có nhiều loại cổ phần, trong đó có cả những loại cổ phần không có quyền biểu quyết. Tỷ lệ biểu quyết trong công ty cổ phần theo đó cũng khác với loại hình công ty TNHH.
*Vốn có quyền biểu quyết, tỷ lệ biểu quyết trong công ty trách nhiệm hữu hạn
Khoản 3 Điều 59 Luật doanh nghiệp 2020 quy định như sau: “Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong các trường hợp sau đây:
a) Được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành đối với quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty.”
Bên cạnh đó cũng tại Điều luật trên Khoản 5 có quy định: “Nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản khi được số thành viên sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.”
Căn cứ vào các quy định này thì mọi thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn đều có quyền biểu quyết tại hội đồng thành viên, theo đó việc biểu quyết thông qua quyết định của hội đồng thành viên được xác định trên tỷ lệ 65% hoặc 75% vốn điều lệ đối với trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản; tổng số vốn góp của thành viên dự họp đối với trường hợp biểu quyết tại cuộc họp. Do không có sự phân biệt giữa các loại phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 nên không có sự khác biệt giữa các khái niệm vốn có quyền biểu quyết, vốn điều lệ hoặc tổng số vốn góp trong loại hình doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, quyền biểu quyết trong công ty trách nhiệm hữu hạn cũng gặp một hạn chế đó là khi thành viên có liên quan đến hợp đồng hoặc giao dịch của công ty với người có liên quan. Tại khoản 2 Điều 67 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định: “Người nhân danh công ty ký kết hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho các thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan và lợi ích có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch dự định tiến hành. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác thì Hội đồng thành viên phải quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo và thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 59 của Luật doanh nghiệp 2020. Thành viên Hội đồng thành viên có liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không được tính vào việc biểu quyết”. Theo đó, hợp đồng hoặc giao dịch với người có liên quan được chấp thuận với điều kiện có được sự đồng ý của số thành viên đại diện ít nhất 65% tổng số vốn có quyền biểu quyết và thành viên có liên quan trong các hợp đồng hoặc giao dịch đó không được tính vào quyền biểu quyết. Đây chính là trường hợp vốn có quyền biểu quyết nhỏ hơn vốn điều lệ hoặc tổng số vốn góp.
*Vốn có quyền biểu quyết trong công ty cổ phần
Cổ phần có quyền biểu quyết là gì?: Vốn trong công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Vốn có quyền biểu quyết được hiểu là người sở hữu phần vốn đó có quyền biểu quyết theo tỷ lệ cổ phần (phần vốn) mà họ sở hữu.
Như đã đề cập ở trên, vốn có quyền biểu quyết trong công ty cổ phần có điểm phức tạp hơn so với công ty trách nhiệm hữu hạn vì công ty cổ phần có nhiều loại cổ phần và một số loại không có quyền biểu quyết. Số cổ phần này chính là cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, bên cạnh đó cổ phiếu quỹ cũng không có quyền biểu quyết.
Các khoản 1, 2 và 4 Điều 148 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định như sau:
“1. Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:
a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;
b) Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;
c) Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
d) Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác;
đ) Tổ chức lại, giải thể công ty;
e) Vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.
2. Các nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
3. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên.”
Như vậy quyền biểu quyết của cổ đông được xác định trên tỷ lệ ít nhất 51% hoặc 65% tổng số phiếu biểu quyết (tỷ lệ biểu quyết trong công ty cổ phần) đối với trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản; tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự hợp trong trường hợp biểu quyết tại cuộc họp. Với những công ty cổ phần chỉ có cổ phần phổ thông thì tổng số phiếu biểu quyết chính là vốn điều lệ, còn những trường hợp khác thì tổng số phiếu biểu quyết khác với vốn điều lệ.
Đối với hợp đồng hoặc giao dịch của công ty cổ phần với người liên quan có giá trị lớn hơn 35% trở lên tổng giá trị tài sản ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn ghi trong điều lệ công ty phải được đại hội đồng cổ đông chấp thuận. Bên cạnh đó khoản 3 Điều 167 Luật doanh nghiệp 2020 cũng có quy định:
“ Đại hội đồng cổ đông chấp thuận hợp đồng, giao dịch sau đây:
a) Hợp đồng, giao dịch khác ngoài hợp đồng, giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.”.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw về thắc mắc của Quý khách liên quan đến vấn đề Vốn có quyền biểu quyết theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020. Nếu Quý khách còn có vướng mắc hay muốn biết thêm thông tin nội dung tư vấn như: Quyền biểu quyết trong công ty cổ phần, cách tính số phiếu biểu quyết công ty cổ phần, tỷ lệ biểu quyết trong công ty TNHH…Hoặc nhu cầu dịch vụ thành lập doanh nghiệp, thay đổi thông tịn đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp,… xin vui lòng liên hệ Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw, số hotline 1900. Để sử các dụng dịch vụ trên, Quý khách vui lòng kết nối tới Số hotline: 0973938866. Chúng tôi hỗ trợ 24/7.
————————————
Phòng tư vấn doanh nghiệp và đầu tư – Luật Phamlaw
xem thêM: