Kỹ năng giải quyết tranh chấp đất đai

Kỹ năng giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai là vấn đề thời sự, có những diễn biến phức tạp, tính chất và mức độ ngày càng tinh vi, nghiêm trọng làm ảnh hưởng xấu đến việc quản lý, sử dụng đất, gây ra những bất ổn đối với đời sống kinh tế – xã hội. Để giải quyết loại tranh chấp này thì việc nắm vững kiến thức chuyên môn thôi vẫn chưa đủ, cần phải có những kỹ năng, kinh nghiệm khi tham gia giải quyết tranh chấp đất đai. Để hiểu rõ hơn về các kỹ năng cần có trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, dưới đây Luật Phamlaw sẽ hướng dẫn để Quý khách hàng có thể tham khảo.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Các kỹ năng cần thiết trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm:

1. Kỹ năng đặt câu hỏi

Đặt câu hỏi để hiểu thêm bản chất của tranh chấp đang diễn ra. Đặt câu hỏi để xác định gốc rễ của sự việc, làm rõ sự thật khách quan, tình tiết của vụ việc. Câu hỏi phải rõ ràng, ngắn gọn, chính xác, không làm cho người được hỏi hiểu theo nhiều nghĩa. Đồng thời những người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cũng cần phải biết sử dụng cách đặt câu hỏi sao cho phù hợp:

  • Với câu hỏi mở: Để thu thập thông tin về vụ việc, thường là các câu hỏi như: tại sao, khi nào, ở đâu,…
  • Với câu hỏi đóng: khẳng định lại tính xác thực của thông tin, thường là dạng câu hỏi: có/không; đúng/sai,…

2. Kỹ năng lắng nghe

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cần phải lắng nghe các bên trình bày một cách chủ động, linh hoạt, tập trung, liên kết các thông tin mà các bên cung cấp để tìm ra các yếu tố mấu chốt của vụ việc tranh chấp. Đồng thời, kết hợp việc nghe với việc ghi chép chính xác, cẩn thận để thuận tiện cho việc tra cứu, lập luận, ra quyết định sau này.

3. Kỹ năng giao tiếp, nắm bắt tâm lý các chủ thể.

Người có trách nhiệm giải quyết các vụ tranh chấp đất đai cần tạo được môi trường giao tiếp thoải mái cho các bên, có cách nói chuyện tự nhiên, chuyên nghiệp giúp các bên có thể chia sẻ những thông tin có ích cho việc tìm ra giải pháp giải quyết tranh chấp

Khi giải quyết tranh chấp đất đai, cần hiểu rõ tâm tư, tình cảm của từng chủ thể, chú ý đến tâm lí về giới. Trình bày các vấn đề một cách chính xác, đầy đủ, ngắn gọn, rõ ràng và lịch sự, tập trung vào mâu thuẫn của các bên

4. Kỹ năng cập nhật và áp dụng pháp luật

Thứ nhất, việc cập nhật phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời

  • Cần nắm bắt các chính sách pháp luật thường xuyên để thích ứng cần thiết, nâng cao nhận thức thực hiện pháp luật, rà soát lại pháp luật, tìm ra những ưu điểm hay nhược điểm bất hợp lý, lỗ hổng của luật.
  • Cập nhật các văn bản pháp luật hiện hành kịp thời để không áp dụng các văn bản pháp luật đã hết hiệu lực
  • Có sự nghiên cứu, phân tích kỹ các văn bản pháp luật có liên quan trong GQTCĐĐ

Thứ hai, việc cập nhật các văn bản pháp luật đất đai phải được thực hiện đồng bộ có hệ thống

Tính có hệ thống ở đây được hiểu là việc cập nhật theo hệ thống văn bản từ văn bản có hiệu lực pháp lý cao đến văn bản có hiệu lực pháp luật thấp hơn, cập nhật theo hướng có phân loại từng nhóm văn bản có cùng nội dung và việc cập nhật phải thực hiện đồng thời ở tất cả các nhóm. Việc cập nhật không đồng bộ có thể dẫn tới việc không nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật về một vấn đề dẫn đến áp dụng pháp luật không chính xác. Do đặc thù pháp luật đất đai có liên quan đến rất nhiều pháp luật chuyên ngành nên điều này thể hiện khá rõ trong thực tế.

Thứ ba, việc cập nhật pháp luật phải dựa trên nguồn thông tin pháp luật tin cậy

Việc cập nhật nguồn thông tin pháp luật đáng tin cậy có vai trò quan trọng đối với việc áp dụng pháp luật. Việc áp dụng quy định pháp luật không đúng không chính xác sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của các bên trong tranh chấp đất đai.

Thứ tư, việc áp dụng pháp luật phải đảm bảo nguyên tắc pháp chế.

Tính thống nhất của pháp chế xã hội chủ nghĩa còn thể hiện ở việc thực hiện thống nhất mọi văn bản pháp luật đất đai đã ban hành trong phạm vi cả nước. Trong nhà nước ta không thể chấp nhận tình trạng pháp chế ở địa phương này khác với pháp chế ở địa phương khác, cùng một văn bản pháp luật nhưng lại được mỗi nơi, mỗi cấp, mỗi ngành áp dụng khác nhau. Đứng trên quan điểm pháp chế thì mọi văn bản pháp luật đang có hiệu lực phải được mọi người thực hiện. Không một địa phương nào, một ngành nào được phép tuyên bố không thực hiện những văn bản đó với bất kỳ lý do nào, nếu cơ quan có thẩm quyền chưa tuyên bố hủy bỏ nó.

Thứ năm, việc áp dụng pháp luật phải được thực hiện một cách thận trọng bảo đảm tính đúng đắn, chính xác

Thứ sáu, việc áp dụng pháp luật phải bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân

Yêu cầu này có ý nghĩa đối với trường hợp pháp luật thực sự quy định không rõ ràng, không chính xác mà đối tượng điều chỉnh xứng đáng được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp về đạo lý. Do đó vai trò của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai phải đề xuất bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà không trái các quy định của pháp luật.

5. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ việc

Nghiên cứu hồ sơ để tìm hiểu, xem xét kỹ lưỡng những vấn đề cốt lõi trong hồ sơ, nhằm phục vụ cho việc giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, cần phải đọc hồ sơ vụ tranh chấp một cách tập trung, kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ, kết hợp thẩm tra, xác minh về vụ việc, từ đó hướng dẫn người dân hoàn tất thủ tục về hồ sơ nếu hồ sơ còn thiếu.

6. Kỹ năng đặt vụ việc vào bối cảnh cụ thể

Phải đặt từng tình huống trong từng bối cảnh cụ thể mà áp dụng các phương pháp giải quyết thấu tình đạt lý. Tùy từng vùng miền mà cách thức giải quyết tranh chấp đất đai cũng có những đặc trưng riêng cần phải chú ý trong quá trình giải quyết để phù hợp với phong tục, nếp sống của người dân

7. Kỹ năng đo đạc hiện trạng sử dụng đất

Thông thường các tranh chấp đất đai tại địa phương thường liên quan đến ranh giới phần đất của các bên tranh chấp. Vì vậy, để xác định được ai là người có quyền sở hữu phần đất đó thì chính quyền địa phương phối hợp cùng ban hòa giải UBND tiến hành đo đạc, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, từ đó làm cơ sở xác minh chủ sở hữu của phần đất tranh chấp.

Yêu cầu đối với những người tiến hành công tác đo đạc: Phải có thẩm quyền theo quy định; Phải có chuyên môn, kỹ năng về đo đạc hiện trạng sử dụng đất; Phải bảo đảm tính chính xác trong quá trình đo; Thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục khi đo: sự tham gia của các bên, có bản vẽ phác họa thực địa, có biên bản đo đạc.

8. Kỹ năng định giá đất

Luật đất đai năm 2013 quy định tại điều 3 như sau:

‘‘Giá đất là giá trị của quyền sử dụng đất tính trên một đơn vị diện tích đất.

Giá trị quyền sử dụng đất là giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất đối với một diện tích đất xác định trong thời hạn sử dụng đất xác định.’’

Ðịnh giá đất đai là việc người định giá căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp định giá đất trên cơ sở nắm chắc tư liệu thị trường đất đai, căn cứ vào những thuộc tính kinh tế và tự nhiên của đất đai theo chất lượng, và tình trạng thu lợi thông thường trong hoạt động kinh tế thực tế của đất đai, xem xét đầy đủ ảnh hưởng của các yếu tố về phát triển kinh tế, xã hội, phương thức sử dụng đất, dự kiến thu lợi từ đất và chính sách đất đai, đối với việc thu lợi từ đất, rồi tổng hợp để định ra giá cả tại một thời điểm nào đó cho một thửa hoặc nhiều thửa đất với một quyền đất đai nào đó.

Nguyên tắc, phương pháp định giá đất được quy định tại Điều 112 Luật đất đai 2013, Điều 4, Điều 5 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất.  Định giá đất có ý nghĩa rất quan trọng trong xác định nghĩa vụ tài chính của các chủ thể kinh tế đối với Nhà nước và có tác động lớn đến việc triển khai thực hiện các dự án kinh tế – xã hội của Nhà nước. Chúng ta cần phải xác định giá đất bởi:

Thứ nhất, có thể thấy xác định giá đất đai đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý đất đai. Bởi quản lý giá đất là quản lý giá trị của thửa đất – quản lý “phần hồn” của đất đai. Giá đất nhà nước được xác lập bằng khung giá đất, giá đất giáp ranh các địa phương cấp tỉnh chỉ áp dụng trong các trường hợp không gây nguy cơ tham nhũng và khiếu kiện của người dân gồm: Tính tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; tính các khoản thuế liên quan đến đất đai và phí, lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai.

Thứ hai, quy định giá đất tạo cơ sở pháp lý, căn cứ để các bên ước định giá đất khi tham gia các giao dịch.

Thứ ba , định giá đất tạo cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp khi có yêu cầu.

Thứ tư, định giá đất làm tiền đề để cơ quan có thẩm quyền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng khi phát sinh.

Trên đây, Luật Phamlaw đã cung cấp cho bạn những thông tin liên quan đến kỹ năng giải quyết tranh chấp đất đai. Hy vọng, nội dung bài viết sẽ giúp Quý khách hàng hiểu rõ hơn về các kỹ năng cần thiết trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu Quý khách hàng còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)