Tóm tắt câu hỏi: Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết ly hôn?
Xin chào luật sư, tôi có câu hỏi mong luật sư giải đáp: A và B kết hôn và đăng ký hộ khẩu chung tại Hà Nội năm 2010. Từ năm 2015 quan hệ hai người bắt đầu mâu thuẫn, A chuyển vào Bình Dương làm ăn và ở luôn trong đó không về, B cũng về Thái Nguyên sinh sống. Năm 2017 B làm đơn xin ly hôn. Luật sư cho hỏi: tòa án nào có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn giữa A và B? Hồ sơ ly hôn gồm những gì?
Mong sớm nhận được tư vấn của luật sư, tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu của mình đến công ty TNHH tư vấn PhamLaw, về câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
2. Luật sư tư vấn
Theo như thông tin bạn cung cấp, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
“1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn”
Tại điểm a, Khoản 1, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện:
“1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;”
Và Khoản 1, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ:
“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”
Theo đó, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn của B. Cụ thể, A là bị đơn, A đang làm ăn và sinh sống tại Bình Dương, do đó Tòa án nhân dân cấp quận, huyện của Bình Dương nơi A đăng ký tạm trú sẽ có thẩm quyền thụ lý đơn ly hôn của B.
Ngoài ra theo điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì A và B có thể thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện của Thái Nguyên nơi B đang cư trú để yêu cầu giải quyết đơn ly hôn. Trường hợp có tranh chấp về bất động sản khi ly hôn thì tòa án có thẩm quyền giải quyết bắt buộc phải là tòa án nơi có bất động sản.
Hồ sơ ly hôn gồm có:
Đơn xin ly hôn theo mẫu.
- Bản sao sổ hộ khẩu.
- Bản sao chứng minh nhân dân.
- Những chứng từ chứng minh tài sản chung của vợ chồng (nếu có tài sản chung cần chia).
- Bản sao giấy khai sinh của con bạn.
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính).
Trên đây là tư vấn của công ty TNHH tư vấn PhamLaw về “Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết ly hôn?” Chúng tôi hi vọng bài viết sẽ có ích cho quý khách hàng trong công việc và cuộc sống.
Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của công ty TNHH tư vấn PhamLaw. Để được tư vấn các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật Phạm Law để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.
Rất mong nhận được sự hợp tác của khách hàng!
Trân trọng!