Nuôi con nuôi thực tế

Nuôi con nuôi thực tế

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội. Kể từ thời điểm đăng ký việc nuôi con nuôi, khi mà các bên trở thành cha mẹ nuôi và con nuôi của nhau thì giữa các bên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con và ngược lại của con đối với cha mẹ theo quy định của pháp luật.

Trong thực tế, việc nuôi con nuôi rất phổ biến nhưng việc đăng ký nuôi con nuôi thì không phải ai cũng biết và thực hiện. Hầu hết người dân nhìn nhận vấn đề về nuôi con nuôi còn khá sơ sài, đa số đều làm theo cảm tính, chưa thấy hết các quyền, nghĩa vụ của người nhận cũng như người được nhận làm con nuôi. Một số người dân còn cho rằng việc nhận con nuôi chỉ để thể hiện tình cảm, nếu khi nào không muốn là cha mẹ nuôi và con nuôi của nhau thì có thể tự chấm dứt hoặc có trường hợp về mặt thực tế họ có mối quan hệ là cha mẹ nuôi và con nuôi thực thụ, có công nuôi dưỡng, chăm sóc từ nhỏ đến lớn nhưng về mặt pháp lý họ không có bất cứ giấy tờ nào thể hiện là cha mẹ nuôi và con nuôi của nhau.

Thực tế đã có không ít các trường hợp tranh chấp tài sản xoay quanh vấn đề về con nuôi thực tế, cụ thể về mặt thực tế các bên là cha mẹ nuôi, con nuôi của nhau nhưng không làm giấy tờ và cho rằng họ không có con ruột chỉ có con nuôi nên sau khi họ qua đời, tài sản để lại tất nhiên thuộc về người con nuôi nên cũng không làm di chúc. Khi cha mẹ nuôi qua đời, các anh, chị hoặc em của cha, mẹ nuôi với người con nuôi phát sinh tranh chấp về quyền thừa kế và cho rằng người con nuôi không có quyền thừa hưởng phần di sản đó vì chỉ là con nuôi và cũng không có giấy tờ gì chứng minh cho việc nuôi con nuôi. Thế là tranh chấp xảy ra, tình cảm gia đình rạn nứt, quyền lợi của người con nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Nuôi con nuôi, việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày 01/01/2011, ngày Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi; đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống; giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.

Đồng thời theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 03 năm 2011 của Chính phủ về đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế:

– Việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký trước ngày 01/01/2011, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Nuôi con nuôi, thì được đăng ký kể từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 31/12/2015 tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi.

– Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới nhận trẻ em của nước láng giềng cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng làm con nuôi trước ngày 01/01/2011 mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Căn cứ vào những quy định nêu trên, người dân nếu muốn xác lập quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi hợp pháp cần nghiêm túc thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi để đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ của các bên cũng như tránh được những tranh chấp đáng tiếc về sau.

Nuôi con nuôi thực tế – Phamlaw

=========================
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết.

Công ty tư vấn Luật Phamlaw

 
Hotline: 097.393.8866; Tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu 1900 6284
Email : pham.lawyer8866@gmail.com

 

 

 

5/5 - (1 bình chọn)