Thừa kế có yếu tố nước ngoài

Thừa kế có yếu tố nước ngoài

Trong điều kiện hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, nhiều quan hệ thừa kế vượt ra khỏi phạm vi của quốc gia, đó là những quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Đây là một trong những chế định quan trọng của tư pháp quốc tế và cũng là một quan hệ phức tạp, gắn bó với nhiều hệ thống pháp luật. Chính vì vậy, việc xác định luật áp dụng là một trong những vấn đề quan trọng trong tư pháp quốc tế Việt Nam và các nước. Tại Việt Nam, những quy định về pháp luật áp dụng cho quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài tập trung tại Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005).

1. Quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về luật áp dụng cho quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài

Quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

1.1. Thừa kế theo luật

Thừa kế theo luật được đặt ra trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp. Trong thừa kế theo luật, người được hưởng thừa kế (hàng thừa kế), điều kiện, trình tự hưởng thừa kế đều do pháp luật quy định chứ không phải do ý chí của người để lại di sản thừa kế. Nói cách khác, thừa kế theo luật là thừa kế trên cơ sở can thiệp của Nhà nước thông qua pháp luật về thừa kế.

– Theo Điều 767 BLDS 2005 thì: “1. Thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết; 2. Quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

– Như vậy, đối với di sản thừa kế là động sản, tư pháp quốc tế Việt Nam áp dụng nguyên tắc Luật quốc tịch. Điều này có nghĩa là luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài mà di sản để lại thừa kế là động sản là luật của nước mà người để lại di sản có quốc tịch trước khi chết. Pháp luật Việt Nam sẽ áp dụng đối với các quan hệ thừa kế mà công dân Việt Nam là người để lại di sản thừa kế là động sản bất kể quan hệ này xảy ra ở đâu và di sản đang hiện diện ở nước nào. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam sẽ không được áp dụng khi công dân nước ngoài để lại di sản là động sản hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam và quan hệ thừa kế xảy ra tại Việt Nam.

– Riêng đối với thừa kế theo luật mà di sản thừa kế là bất động sản, tư pháp quốc tế Việt Nam áp dụng nguyên tắc Luật nơi có vật. Điều này có nghĩa là công dân Việt Nam để lại di sản thừa kế là bất động sản thì pháp luật Việt Nam không có cơ hội áp dụng nếu bất động sản không hiện diện ở Việt Nam và ngược lại, pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng khi công dân nước ngoài để lại di sản thừa kế là bất động sản hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam.

1.2. Thừa kế theo di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó, khác với thừa kế theo luật, thừa kế theo di chúc chính là sự chuyển dịch tài sản từ người chết sang người sống trên cơ sở ý chí của người chủ sở hữu tài sản để lại thừa kế. Trong pháp luật về thừa kế theo di chúc thì năng lực hành vi lập và hủy bỏ di chúc, hình thức di chúc là những nội dung cơ bản.

– Tại Việt Nam, việc chọn luật áp dụng để xác định năng lực hành vi lập, hủy bỏ di chúc và hình thức di chúc được quy định tại Điều 768 BLDS 2005:“1. Năng lực lập di chúc, thay đổi và hủy bỏ di chúc phải tuân theo pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân; 2. Hình thức của di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc”.

– Như vậy, để giải quyết xung đột pháp luật về năng lực lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc, Việt Nam áp dụng pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân. Pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để xác định năng lực chủ thể khi công dân Việt Nam lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc, định đoạt di sản thừa kế, bất kể di sản thừa kế là động sản hay bất động sản. Pháp luật Việt Nam sẽ không được áp dụng đối với việc xác định năng lực chủ thể khi công dân nước ngoài lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc định đoạt di sản thừa kế, kể cả khi hành vi này được thực hiện tại Việt Nam.

– Để giải quyết xung đột pháp luật về hình thức di chúc, Việt Nam áp dụng nguyên tắc Luật của nước nơi lập di chúc. Nếu công dân Việt Nam lập di chúc ở nước ngoài phải tuân theo những quy định của pháp luật nước ngoài về hình thức di chúc; nếu công dân nước ngoài lập di chúc ở Việt Nam thì bắt buộc phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức di chúc.

Tư pháp quốc tế Việt Nam đã có một số quy phạm xung đột điều chỉnh quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Những quy phạm này đã vận dụng các nguyên tắc chọn luật của tư pháp quốc tế được quy định trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

=========================
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết.

Công ty Luật Phamlaw

Hotline: 097.393.8866; Tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu
Email : pham.lawyer8866@gmail.com

 

5/5 - (1 bình chọn)