Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư

Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư

Thưa Luật sư, Công ty TNHH Luật Phamlaw.

Theo như tôi được biết,  Luật Đầu tư hiện nay có quy định các đối tượng và hình thức được áp dụng ưu đãi đầu tư. Tôi muốn hỏi về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư được pháp luật quy định như thế nào? Rất mong Quý luật sư có thể giải đáp giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Nghị định 31/2021/NĐ-CP

Luật Đầu tư 2020

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Ưu đãi đầu tư là gì?

Ưu đãi đầu tư là những ưu đãi mà các nhà đầu tư được hưởng khi thực hiện dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi theo quy định của nhà nước. Mục đích của những ưu đãi này nhằm khuyến khích đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương hoặc của xã hội.

Thu Tuc Ap Dung Uu Dai Dau Tu
Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư

2. Đối tượng nào được hưởng ưu đãi đầu tư

Căn cứ Điều 15 Luật Đầu tư 2020 quy định về đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư như sau:

Thứ nhất, Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Đầu tư 2020

Thứ hai, Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Đầu tư 2020

Thứ ba, Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;

Thứ tư, Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;

Thứ năm, Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

Thứ sáu, Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;

Thứ bảy, Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư

Căn cứ Điều 23 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư cụ thể như sau:

Thứ nhất, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư quy định hình thức, căn cứ, điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại các Điều 15 và 16 của Luật Đầu tư và Điều 19 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Thứ hai, căn cứ nội dung ưu đãi đầu tư tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.

Thứ ba, căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư đối với một số doanh nghiệp, dự án đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CP gồm:

– Đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

– Đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

– Đối với dự án ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao;

– Đối với dự án công nghiệp hỗ trợ là Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

– Đối với dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao là Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 23 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 19 của Nghị định này, quy định của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.

Như vậy cơ quan đăng ký đầu tư sẽ ghi nội dung ưu đãi đầu tư, căn cứ và điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong trường hợp dự án đầu tư không cần đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì nhà đầu tư căn cứ vào điều kiện quy định trong Luật đầu tư. Nếu các nhà đầu tư đã có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà chưa nằm trong đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi thì có thể làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đầu tư để đáp ứng các điều kiện được áp dụng ưu đãi đầu tư.

4. Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư

Căn cứ Điều 17 Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 23 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, tùy thuộc vào đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư tự xác định ưu đãi và thực hiện thủ tục hưởng tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan. Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư bao gồm các bước dưới đây:

Bước 1: Xác định căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư

  • Đối với dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận khoa học và công nghệ, nhà đầu tư căn cứ nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận khoa học và công nghệ để thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư.
  • Đối với dự án không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận khoa học và công nghệ, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 để thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư.

Bước 2: Nộp hồ sơ áp dụng ưu đãi đầu tư thông qua bưu điện/trực tiếp tại trụ sở cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư

Hồ sơ gồm:

– Kê khai/đề nghị áp dụng ưu đãi đầu tư.

– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ… đối với trường hợp được cấp một trong số các loại giấy tờ này.

Cơ quan thực hiện: Cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng ưu đãi về đất đai và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Bước 3: Cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng ưu đãi đầu tư về đất đai và ưu đãi khác đối với nhà đầu tư đáp ứng điều kiện.

Thời hạn giải quyết: Theo thời hạn giải quyết của từng cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư đối với từng loại ưu đãi đầu tư.

Kết quả thực hiện: Nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi khi thực hiện dự án đầu tư.

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật mới nhất. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)