Kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký

Kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký

Thưa Luật sư!

Tôi kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp, có thuê nhân viên và trụ sở kinh doanh. Tuy nhiên tôi vẫn chưa đăng ký kinh doanh. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, việc tôi kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký có bị xử phạt không? Nếu có thì mức phạt sẽ được quy định như thế nào theo pháp luật hiện  hành. Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020

Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Nghị định 122/2021/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp là gì?

Doanh nghiệp được hiểu là một tổ chức kinh doanh, có các hoạt động mua bán, trao đổi, giao dịch, có có tên riêng, có tài sản, có trụ sở hoạt động. Doanh nghiệp phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và được sự cho phép hoạt động thì doanh nghiệp mới có thể làm việc.

Kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư. Từ việc sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung cấp các dịch vụ với mục đích sinh lợi nhuận. Với mục đích cao nhất của một doanh nghiệp chính là đem lại lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp.

Kinh Doanh Duoi Hinh Thuc Doanh Nghiep Ma Khong Dang Ky (1)

2. Xử phạt khi kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký

Theo quy định tại Khoản 4, 5 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký có thể bị phạt đến 100 triệu đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký.

– Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.

Biện pháp khắc phục hậu quả với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký là buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau: “Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp là 01 năm; đối với lĩnh vực quy hoạch là 02 năm”.

Như vậy, nếu bạn hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hiệu quả là buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính với lĩnh vực này là 01 năm.

3. Trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh

Để tránh trường hợp bị xử phạt khi kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký, doanh nghiệp của bạn phải tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành. Dưới đây, Luật Phamlaw sẽ nêu ra các bước cụ thể giúp doanh nghiệp của bạn có thể tiến hành làm thủ tục đăng ký kinh doanh một cách dễ dàng.

Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà bạn đăng ký, bạn có thể sử dụng các mẫu tại phụ lục I-1đến I-5 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);
  • Điều lệ doanh nghiệp;
  • Danh sách thành viên/Danh sách cổ đông sáng lập;
  • Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của sáng lập viên và người đại diện theo pháp luật của công ty (Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/Hộ chiếu). Trường hợp góp vốn là tổ chức thì cần nộp kèm
  • Quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác và bản sao hợp lệ giấy chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền quản lý phần vốn góp;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành;
  • Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức;
  • Văn bản ủy quyền cho tổ chức/cá nhân thực hiện thủ tục

Bước 2: Nộp hồ sơ

Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Cách 2: Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng).

Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

+ Nếu hồ sơ thành lập doanh nghiệp hợp lệ và đầy đủ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ tiếp nhận hồ sơ và gửi giấy biên nhận cho doanh nghiệp.

+ Nếu hồ sơ thành lập doanh nghiệp không hợp lệ và đầy đủ, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.

Bước 4: Nhận kết quả

Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy Biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giải quyết hồ sơ.

Bước 5: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và phải trả phí theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như công bố thông tin kịp thời, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thu luôn lệ phí công bố khi doanh nghiệp nhận kết quả đăng ký kinh doanh.

Bước 6: Khắc dấu doanh nghiệp

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp tiến hành liên hệ với đơn vị khắc dấu để khắc dấu. Nội dung con dấu thể hiện những thông tin sau đây:

  • Tên doanh nghiệp;
  • Mã số doanh nghiệp.

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về việc kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)