Định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Việc định giá tài sản có vai trò quan trọng trong xác định tính chất, mức độ của từng tội danh cụ thể của Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản còn là căn cứ để xác định khung hình phạt; đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi lượng hình và xác định mức bồi thường cho người bị thiệt hại về tài sản. Để hiểu rõ hơn về các quy định về định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Văn bản hợp nhất 31/2020/VBHN-BTC

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Định giá tài sản là gì?

Định giá tài sản là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định giá trị bằng tiền của tài sản được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá để giải quyết vụ án hình sự tại thời điểm nhất định.

Việc định giá tài sản được tiến hành trong những trường hợp khác nhau, như trước khi phát mại tài sản, thanh lý tài sản, bán đấu giá tài sản… Người có quyền định giá tài sản thường là người có quyền sở hữu đối với tài sản. Khi một người được chủ sở hữu ủy quyền một cách hợp pháp, người được ủy quyền cũng có quyền định giá tài sản. Trong một số trường hợp, theo quy định của pháp luật việc định giá tài sản phải do một hội đồng thực hiện. Trong một số trường hợp khác, theo quy định của pháp luật, việc định giá một tài sản phải được thực hiện trong một khung giá với mức giá trần do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Quy định pháp luật về định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Trong quá trình tố tụng, nếu xét thấy cần xác định giá trị của tài sản có liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự như liên quan đến việc xác định tội phạm, định tội, định khung hình phạt, quyết định hình phạt thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản. Việc định giá tài sản được quy định từ điều 215 đến điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

2.1 Văn bản yêu cầu định giá tài sản

Theo quy định tại điều 215 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.

  • Văn bản yêu cầu định giá tài sản có các nội dung:
  • Tên cơ quan yêu cầu định giá; họ tên người có thẩm quyền yêu cầu định giá;
  • Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu;
  • Thông tin và đặc điểm của tài sản cần định giá;
  • Tên tài liệu có liên quan (nếu có);
  • Nội dung yêu cầu định giá tài sản;
  • Ngày, tháng, năm yêu cầu định giá tài sản, thời hạn trả kết luận định giá tài sản.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra văn bản yêu cầu định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá phải giao hoặc gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản, hồ sơ, đối tượng yêu cầu định giá tài sản cho Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Việc yêu cầu định giá tài sản để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

2.2 Thời hạn định giá tài sản

Việc định giá tài sản do Hội đồng định giá tài sản tiến hành. Phiên họp định giá tài sản có thể thực hiện tại nơi có tài sản được định giá hoặc nơi khác theo quyết định của Hội đồng định giá tài sản. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có thể tham dự phiên họp định giá tài sản nhưng phải báo trước cho Hội đồng định giá tài sản biết; khi được sự đồng ý của Hội đồng định giá tài sản thì có quyền đưa ra ý kiến.

Việc định giá tài sản, trả kết luận định giá tài sản thực hiện theo thời hạn nêu trong văn bản yêu cầu định giá tài sản. Trường hợp việc định giá tài sản không thể tiến hành trong thời hạn yêu cầu, Hội đồng định giá tài sản phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan, người đã yêu cầu định giá biết.

2.3 Định giá tài sản trong trường hợp đặc biệt

Dưới đây là một số trường hợp định giá tài sản đặc biệt:

Thứ nhất, Định giá tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn

Trường hợp tài sản cần định giá bị thất lạc hoặc không còn thì việc định giá tài sản được thực hiện theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá.

Thứ hai, Định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt

Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần hai của Hội đồng định giá tài sản. Việc định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt phải do Hội đồng mới thực hiện. Người đã tham gia định giá trước đó không được định giá lại. Kết luận định giá lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.

2.4 Định giá lại tài sản

Định giá lại tài sản trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, Trường hợp có nghi ngờ kết luận định giá lần đầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự mình hoặc theo đề nghị của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản. Việc định giá lại tài sản do Hội đồng định giá tài sản cấp trên trực tiếp thực hiện.

Thứ hai, Trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá lại lần thứ hai. Việc định giá lại lần thứ hai do Hội đồng định giá tài sản có thẩm quyền thực hiện. Kết luận định giá lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.

2.5 Kết luận định giá tài sản

Thứ nhất, Kết luận định giá tài sản phải ghi rõ kết luận về giá của tài sản theo nội dung yêu cầu định giá và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

+ Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận định giá tài sản, Hội đồng định giá tài sản phải gửi kết luận cho cơ quan yêu cầu định giá tài sản, người yêu cầu định giá tài sản.

+ Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận định giá tài sản, cơ quan đã yêu cầu, người yêu cầu định giá tài sản phải gửi kết luận định giá tài sản cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Thứ hai, Để làm sáng tỏ nội dung kết luận định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá tài sản có quyền yêu cầu Hội đồng định giá tài sản giải thích kết luận định giá; hỏi thêm Hội đồng định giá tài sản về những tình tiết cần thiết.

2.6 Quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản

Thứ nhất, Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị định giá tài sản của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.

Thứ hai, Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kết luận định giá tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo kết luận định giá tài sản cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan.

Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá; đề nghị định giá lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là tư vấn của Phamlaw về nội dung định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Nếu còn vướng mắc, băn khoăn, Quý khách hàng vui lòng kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn. Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)