Người sử dụng đất theo Luật đất đai 2013

Người sử dụng đất theo Luật đất đai 2013

Pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là một trong những chế định cơ bản của pháp luật đất đai. Chế định này ra đời trên cơ sở chế độ sở hữu đất đai mang tính đặc thù ở Việt Nam: Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Để hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo Luật đất đai 2013, Quý khách hàng có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Người sử dụng đất là gì?

Quyền sử dụng đất là quyền của các chủ thể được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi ích từ việc sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc được chuyển giao từ chủ thể khác thông qua việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho.

Theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất là người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất

Theo Điều 5 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất gồm những đối tượng sau:

  • Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự.
  • Hộ gia đình, cá nhân trong nước (thường gọi là hộ gia đình, cá nhân); đây là người sử dụng đất chủ yếu, phổ biến nhất hiện nay.
  • Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ.
  • Cơ sở tôn giáo gồm: Chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo.
  • Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ.
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.

2. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất

2.1 Quyền của người sử dụng đất

Nếu so với các quy định về quyền của người sử dụng đất theo luật đất đai 2003 thì quyền của người sử dụng đất theo luật đất đai 2013 được hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của từng đối tượng sử dụng đất (cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân…) phù hợp với hình thức giao đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất và quy định các điều kiện khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Theo Điều 166 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất hợp pháp sẽ có những quyền như sau:

  • Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
  • Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
  • Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
  • Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
  • Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình thông qua việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án hoặc giải quyết tại UBND cấp huyện, cấp tỉnh.
  • Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định.
  • Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

Quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là một trong những quyền rất quan trọng được người sử dụng đất đặc biệt quan tâm. Thông qua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Nhà nước xác lập mối quan hệ pháp lý giữa Nhà nước – với tư cách là chủ sở hữu đất đai đối với các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất cho sử dụng. Mặt khác, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn có ý nghĩa xác định phạm vi, giới hạn quyền và nghĩa vụ mà mỗi người sử dụng đất được phép thực hiện (ranh giới sử dụng đất, thời hạn và mục đích sử dụng).

Về mặt khái niệm, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư Nhà nước cấp cho người sử dụng đất để họ được hưởng mọi quyền lợi hợp pháp về đất đai và được Nhà nước bảo hộ khi quyền của họ bị xâm hại. Đó cũng là điều kiện để họ được nhận bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và là cơ sở pháp lý chứng minh của họ khi cần Tòa án giải quyết tranh chấp về đất đai. Như vậy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vừa chứa đựng nội dung pháp lý, lại vừa chứa đựng nội dung kinh tế.

Những chủ thể sử dụng đất đai hợp pháp sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn xét và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng ổn định, được Ủy ban nhân nhân xã, phường, thị trấn xác nhận. Đây là một quyền vô cùng quan trọng bởi lẽ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ là cơ sở thiết yếu cho chủ thể quyền trong việc được hưởng những quyền và lợi ích khác.

2.2 Nghĩa vụ của người sử dụng đất

Bên cạnh việc được bảo vệ bởi các quyền theo luật định, người sử dụng đất tất yếu cũng phải có trách nhiệm đối với các nghĩa vụ được đặt ra. Trách nhiệm của người sử dụng đất được quy định tại điều 170 Luật Đất đai 2013, cụ thể:

  • Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
  • Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
  • Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất.
  • Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.
  • Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.
  • Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.

Người sử dụng đất vi phạm nghĩa vụ về đất đai và những điều cấm của Luật Đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy người sử dụng đất gồm nhiều đối tượng khác nhau, trong đó hộ gia đình, cá nhân là đối tượng phổ biến nhất. Người sử dụng đất hợp pháp là người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất thông qua các hình thức sau: Giao, cho thuê, công nhận quyền hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn thực hiện dịch vụ pháp lý đất đai, vui lòng liên hệ Luật Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được hỗ trợ nhanh nhất.

 

5/5 - (1 bình chọn)