Thủ tục thông báo trở lại hoạt động của doanh nghiệp

Thủ tục thông báo trở lại hoạt động của doanh nghiệp

Thưa Luật sư!

Công ty tôi đã thực hiện thông báo tạm ngừng kinh doanh từ ngày 12/05/2022. Hiện tại, tôi muốn mở lại hoạt động công ty để thực hiện thủ tục thay đổi trụ sở chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa hiểu rõ về thủ tục mở lại hoạt động công ty được thực hiện như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020

Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Nghị định 122/2021/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Khi nào cần phải thực hiện thủ tục thông báo mở lại hoạt động của công ty?

Khi công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành tạm ngừng kinh doanh và khi doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh lại trước thời hạn đăng ký tạm ngừng kinh doanh cần tiến hành thủ tục thông báo hoạt động trở lại của doanh nghiệp.

Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Phòng Đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm.

Thu Tuc Thong Bao Tro Lai Hoat Dong Cua Doanh Nghiep (1)
                           Thủ tục thông báo trở lại hoạt động của doanh nghiệp

2. Thủ tục thông báo trở lại hoạt động của doanh nghiệp

Công ty có quyền kinh doanh trở lại trước thời hạn đã thông báo tạm ngừng trước đó. Tuy nhiên, phải thực hiện thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi tiếp tục kinh doanh trở lại. Dưới đây, Luật Phamlaw sẽ đưa ra các bước để thực hiện thông báo trở lại hoạt động của doanh nghiệp một cách nhanh nhất:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Thành phần hồ sơ mở lại hoạt động công ty bao gồm:

– Thông báo về việc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo (mẫu Phụ lục II-19 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);

– Đối với các công ty đang hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì nộp kèm theo:

+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư;

+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế của công ty;

+ Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp (mẫu Phụ lục II-14 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).

– Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền thực hiện thủ tục (nếu có)

Bước 2: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong hai phương thức:

– Nộp tại Bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT (Phòng ĐKKD) tỉnh/ thành phố nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính;

– Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn (Đối với doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc phải nộp hồ sơ theo hình thức này).

Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

+ Nếu hồ sơ mở lại hoạt động công ty hợp lệ và đầy đủ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ tiếp nhận hồ sơ và gửi giấy biên nhận cho doanh nghiệp.

+ Nếu hồ sơ mở lại hoạt động công ty không hợp lệ và đầy đủ, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.

Bước 4: Nhận kết quả

Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy Biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giải quyết hồ sơ.

3. Một số lưu ý khi doanh nghiệp trở lại hoạt động kinh doanh

Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện thông báo hoạt động trở lại nêu trên, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 50 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thông báo về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp không thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.”

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp tại thời điểm tạm ngừng kinh doanh, nếu vẫn phát sinh các khoản nợ về thuế, BHXH…thì vẫn phải tiếp tục thanh toán, chỉ trừ trường hợp doanh nghiệp và các bên có thoả thuận khác. Sau khi thanh toán xong, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không phải chịu các khoản về thuế, phí, BHXH.

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục mở lại hoạt động công ty khi đang tạm ngừng kinh doanh. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)