Quy định về biện pháp bảo lưu quyền sở hữu theo Bộ luật dân sự 2015

Quy định về biện pháp bảo lưu quyền sở hữu theo Bộ luật dân sự 2015

Giao dịch dân sự là hoạt động tất yếu và phổ biến trong đời sống kinh tế, xã hội. Thông thường các giao dịch đó sẽ đặt ra các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ nghĩa vụ dân sự và trong giao kết hợp đồng của cả hai bên. Điều 292 Bộ luật dân sự 2015 quy định có 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Vậy Bảo lưu quyền sở hữu là gì? Pháp luật hiện hành quy định về biện pháp này như thế nào?

Quy định về biện pháp bảo lưu quyền sở hữu theo Bộ luật dân sự 2015
Quy định về biện pháp bảo lưu quyền sở hữu theo Bộ luật dân sự 2015

Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bảo lưu quyền sở hữu:

1.Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.

2. Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán.

3.Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.”

Trong biện pháp bảo lưu quyền sở hữu, bên bán là bên nhận bảo đảm thể hiện qua việc dù đã bán tài sản, người mua đang nắm giữ hoặc sử dụng tài sản nhưng quyền sở hữu đối với tài sản đó vẫn thuộc về người bán cho đến khi người mua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Bên bán có thể thực hiện bảo lưu quyền sở hữu bằng cách không tạo điều kiện để bên mua làm thủ tục đăng ký hoặc cùng bên mua làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhưng bên bán giữ lại bản gốc.

Về hình thức bảo lưu quyền sở hữu: Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng mua bán. Quy định hình thức chặt chẽ như vậy xuất phát từ cơ sở việc thực hiện nghĩa vụ của các bên không phát sinh và chấm dứt ngay mà là cả một quá trình. Việc quy định về hình thức bảo lưu quyền sở hữu giúp nâng cao trách nhiệm của bên mua đối với việc thực hiện nghĩa vụ đã cam kết.

Về quyền và nghĩa vụ của các bên khi bảo lưu quyền sở hữu:

Điều 332 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền đòi lại tài sản: “Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị tài sản hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Bên bán không chỉ có quyền sở hữu đối với tài sản mà còn có quyền đòi lại tài sản đã bán nếu bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán và quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên mua làm mất, hư hỏng tài sản.

Bên cạnh đó, Điều 333 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của bên mua tài sản:

1.Sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực.

2.Chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo đó, bên mua có nghĩa vụ thanh toán theo đúng thỏa thuận là trả đủ tiền và đúng hạn. Ngoài ra bên mua có quyền sử dụng khai thác công dụng của tài sản là đối tượng mua bán và phải chịu rủi ro khi sử dụng cũng như khai thác giá trị của sản phẩm.

Như vậy, trong biện pháp bảo lưu quyền sở hữu, bên bán là bên nhận bảo đảm bởi mặc dù bên bán được bảo lưu quyền sở hữu nhưng bên mua lại có toàn quyền sử dụng tài sản đúng với các tính năng công dụng và phù hợp với mục đích của mình, bên mua phải chịu hoàn toàn rủi ro xảy ra đối với tài sản.

Theo điều 334 Bộ luật dân sự 2015 thì Bảo lưu quyền sở hữu chấm dứt trong các trường hợp sau:

Một là, nghĩa vụ thanh toán cho bên bán đươc thực hiện xong: Khi bên mua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán theo đúng thỏa thuận, việc mua bán hoàn tất  làm phát sinh quyền sở hữu tài sản với người mua và chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu.

Hai là, bên bán nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu: nếu có sự vi phạm hợp đồng mua bán do bên mua không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình, bên bán có quyền đòi lại tài sản theo quy định tại điều 332 Bộ luật dân sự 2015.

Lúc này, ngoài việc bến bán có quyền sở hữu đối với tài sản, bên bán còn nhận lại tài sản từ bên mua và chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu.

Ngoài các trường hợp trên việc chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu còn theo sự thỏa thuận của các bên.

Như vậy, qua phân tích trên, có thể thấy: Bảo lưu quyền sở hữu không được ghi nhận là một trong các biện pháp bảo đảm trong giao dịch dân sự tại Bộ luật dân sự 2005 mà chỉ được coi là biến thể của Giao dịch đảm bảo. Việc quy định bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm chính thức trong Bộ luật dân sự 2015 là thể hiện sự đánh giá đúng đắn, cụ thể của pháp luật đối với biện pháp này, điều này là hết sức cần thiết và phù hợp với thực tiễn, thể hiện đúng vị thế, tầm quan trọng của nó trong việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Pháp luật các nước như Pháp, Cộng hòa liên bang Đức, biện pháp bảo lưu quyền sở hữu là một trong các biện pháp khá phổ biến và đem lại hiệu quả rất cao cho các bên khi áp dụng. Việc Bộ luật dân sự 2015 có điều khoản cụ thể quy định về bảo lưu quyền sở hữu là một điểm mới tích cực, đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết về nội dung tư vấn “Quy định về biện pháp bảo lưu quyền sở hữu theo Bộ luật dân sự 2015” xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của công ty TNHH tư vấn PhamLaw. Để được tư vấn các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật Phạm Law để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.

Rất mong nhận được sự hợp tác của khách hàng!

Trân trọng!

 

 

5/5 - (1 bình chọn)