Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng
Thưa Luật sư!
Vào đầu tháng 10/2022, tôi có nhu cầu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Tôi muốn hỏi về các mức phạt hành chính khi vi vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng để tôi có thể tránh. Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.
Cảm ơn Luật sư!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Nghị định 88/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP
Nghị định 24/2012/NĐ-CP
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Kinh doanh vàng là gì?
Kinh doanh vàng là một hình thức đầu tư dùng tiền để mua vàng vật chất hoặc bất kỳ một hoạt động giao dịch trao đổi nào có liên quan đến vàng, lợi nhuận dựa trên sự biến động của giá cả trên thị trường vàng. Hiện nay, kinh doanh vàng thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư tham gia, bởi kim loại quý này được xem là một kênh đầu tư trú ẩn an toàn, trong bối cảnh nền kinh tế gặp bất ổn.
Các loại hình kinh doanh vàng phổ biến hiện nay bao gồm:
- Gia công vàng trang sức, mỹ nghệ;
- Kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ;
- Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
2. Điều kiện kinh doanh vàng
Thứ nhất, Điều kiện kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ
Căn cứ theo Điều 5, Điều 7 và Điều 8, 10, 11 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cá nhân/tổ chức khi kinh doanh vàng, trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng các điều kiện dưới đây
Thứ hai, Điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ
Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Thứ ba, Điều kiện hoạt động gia công vàng trang sức, mỹ nghệ
Cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thứ tư, Điều kiện hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ
Doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.
Thứ năm, Điều kiện hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng
Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Một, Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
- Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.
- Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).
- Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Hai, Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.
- Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
- Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
3. Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng
Ngày 14/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó căn cứ tại Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP, khi vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng sẽ bị xử lý như sau:
Thứ nhất, Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;
- Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
Thứ hai, Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;
- Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
Thứ ba, Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật;
- Vi phạm trách nhiệm của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng khi có thay đổi về mạng lưới chi nhánh, địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Kinh doanh mua, bán vàng miếng không đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 8 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP;
- Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Thứ năm, Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm;
- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về trạng thái vàng;
- Xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ; vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm mà không đúng theo nội dung ngành nghề đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu, Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vàng nguyên liệu nhập khẩu không đúng theo giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Thứ bảy, Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động sản xuất vàng miếng không đúng quy định của pháp luật.
Thứ tám, Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;
- Thực hiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật;
- Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.
Ngoài các mức phạt tiền nêu trên, tùy từng vi phạm, các tổ chức, cá nhân có thể sẽ bị áp các hình thức xử phạt bổ sung khác như:
- Tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c khoản 8 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP;
- Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP;
Biện pháp khắc phục hậu quả: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP.
Bài viết trên đây là các thông tin liên quan đến các hình thức xử phạt khi cá nhân/tổ chức vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.
xem thêm: