Các trường hợp vi phạm pháp luật cạnh tranh

Các trường hợp vi phạm pháp luật cạnh tranh

Thưa Luật sư.

Theo như tôi được biết, pháp luật hiện nay ban hành rất nhiều các chế tài đối với trường vi phạm pháp luật cạnh tranh. Tôi có câu hỏi thắc mắc về những hành vi thế nào được coi là vi phạm luật cạnh tranh theo quy định của pháp luật hiện hành. Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật cạnh tranh 2018

NỘI DUNG TƯ VẤN

Cac Truong Hop Vi Pham Phap Luat Canh Tranh
Cac Truong Hop Vi Pham Phap Luat Canh Tranh

1. Vi phạm pháp luật cạnh tranh là gì?

Cạnh tranh trong kinh doanh được hiểu là hành vi của các doanh nghiệp (thương nhân) kinh doanh cùng loại hàng hóa (dịch vụ) có thể thay thế cho nhau (về mục đích sử dụng, giá cả, đặc tính) nhằm mua, bán, cung ứng được nhiều hàng hóa (dịch vụ) nhất trên cùng một thị trường liên quan.

Vi phạm pháp luật cạnh tranh là việc các thương nhân thực hiện các hành vi: hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam và hành vi cạnh tranh không lành mạnh

2. Các trường hợp vi phạm pháp luật về cạnh tranh

Hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh được quy định tại Luật cạnh tranh 2018 bao gồm:

  • Hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (Chương III Luật cạnh tranh 2018);
  • Hành vi vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền (Chương IV Luật cạnh tranh 2018);
  • Hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế (Chương V Luật cạnh tranh 2018);
  • Hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh (Chương VI Luật cạnh tranh 2018);
  • Hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác.

2.1 Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là sự thống nhất cùng hành động của nhiều doanh nghiệp nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ sức ép của cạnh tranh hoặc hạn chế khả năng hành động một cách độc lập giữa các đối thủ cạnh tranh. Pháp luật Việt Nam chưa có một định nghĩa cụ thể thế nào là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mà chỉ liệt kê các hành vi được coi là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại điều 11 Luật cạnh tranh 2018.

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, về chủ thể tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là các doanh nghiệp hoạt động độc lập.

Thứ hai, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh chỉ được hình thành khi có sự thống nhất ý chí của các bên tham gia thỏa thuận.

Thứ ba, hậu quả của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là làm giảm sức ép cạnh tranh, làm sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường

2.2 Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền

Một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Theo quy định tại Điều 27 Luật Cạnh Tranh 2018, Các hành vi bị cấm vì vi phạm Luật Cạnh tranh bao gồm:

– Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;

– Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

– Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

– Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

– Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

– Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;

–  Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.

2.3 Tập trung kinh tế

Theo quy định tại Điều 30 Luật Cạnh Tranh 2018, tập trung kinh tế là hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh: Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam

2.4 Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 3 Luật Cạnh Tranh 2018, Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm đối với các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

– Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

– Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Thứ hai, Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

Thứ ba, Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Thứ tư, Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

Thứ năm, Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:

– Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;

– So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

Thứ sáu, Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

Thứ bảy, Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.

3. Thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh

Theo quy định tại điều 113 Luật cạnh tranh 2018, các cơ quan sau có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh:

Thứ nhất, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật cạnh tranh 2018, ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả. Cơ quan nhà nước được yêu cầu phải chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực hiện các hành vi sau gây cản trở cạnh tranh trên thị trường:

– Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

– Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;

– Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, tổ chức xã hội – nghề nghiệp khác hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh.

Thứ hai, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh

Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật cạnh tranh (cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh) Hội đồng xử lí vụ việc hạn chế cạnh tranh có các thẩm quyền sau:

– Phạt cảnh cáo;

– Phạt tiền với mức phạt tiền tối đa là 200.000.000 đồng;

– Áp dụng biện pháp:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh;

+ Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;

+ Cải chính công khai;

+ Các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động của hành vi vi phạm.

– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp:

+ Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

+ Cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền.

Thứ ba, Cơ quan có thẩm quyền khác

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm (quy định tại khoản 7 Điều 45 của Luật cạnh tranh năm 2018) mà trong các luật chuyên ngành có quy định về việc xử lý khác với quy định của Luật cạnh tranh được xử lý theo quy định của luật đó. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền khác là cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định của luật khác có liên quan (các luật chuyên ngành)

Trên đây là tư vấn về các hành vi được xem là vi phạm luật cạnh tranh mà Phamlaw gửi đến Quý bạn đọc. Để được tư vấn kỹ hơn về từng trường hợp cụ thể, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu.

5/5 - (1 bình chọn)