Quy định về đầu tư ra nước ngoài

1. Chủ thể đầu tư ra nước ngoài

Theo quy định, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) đều có quyền đầu tư ra nước ngoài (ngoại trừ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, chứng khoán và một số lĩnh vực đặc thù khác…) được đầu tư ra nước ngoài khi đáp ứng được các điều kiện sau:

– Có dự án trực tiếp đầu tư ra nước ngoài;

– Chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính tại Việt Nam;

– Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đối với các trường hợp sử dụng vốn nhà nước để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài;

–  Được cấp giấy phép cần thiết để tiến hành đầu tư ra nước ngoài (Ví dụ: Chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài…)

Quy Dinh Ve Dau Tu Ra Nuoc Ngoai.
Quy định về đầu tư ra nước ngoài

2. Các hình thức đầu tư

Về cơ bản, các hình thức đầu tư ở nước ngoài phải phù hợp với pháp luật nước sở tại. Tuy nhiên, các dự án này không được gây phương hại đến bí mật, an ninh quốc gia, quốc phòng, lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và tuân thủ quy định Luật Đầu tư năm 2014. Đầu tư ra nước ngoài hiện nay được thực hiện một trong hai hình thức: Đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được hiểu là việc nhà đầu tư chuyển vốn; hoặc xác lập quyền sở hữu để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam; đồng thời trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư đó.

Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bao gồm việc mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các chế định trung gian khác ở nước ngoài và được điều chỉnh riêng ở Luật Chứng khoán 2006, Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và các văn bản có liên quan khác.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 52 Luật Đầu tư 2014, các hình thức đầu tư ra nước ngoài cụ thể bao gồm:

“1. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức sau đây:
a) Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
b) Thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài;
c) Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài;
d) Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
đ) Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư ra nước ngoài và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hình thức quy định tại các điểm (a), (b), (c), và (d) nói trên chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư 2014 về đầu tư ra nước ngoài. Hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng tại các Điểm a, b, c và đ Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 36/2018/TT-NHNN. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại điểm (d) sẽ thực hiện theo quy định riêng theo Luật Chứng khoán. Trong lĩnh vực dầu khí còn tuân thủ theo pháp luật về lĩnh vực dầu khí. Đối với điểm (đ), nếu nhà đầu tư đề nghị đầu tư ra nước ngoài theo hình thức mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có văn bản đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Các dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước sẽ được thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, sửa đổi bố sung năm 2018 và các quy định hướng dẫn khác.
3. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư
Các dự án đầu tư trực tiếp từ Việt Nam ra nước ngoài đều do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà chưa được phân cấp quản lý đầu tư cho địa phương như đối với các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đối với một số dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thuộc các lĩnh vực quan trọng hoặc vốn đầu tư ra nước ngoài lớn (Ví dụ: (a)Dự án thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên; Dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên…), Bộ Kế hoạch và Đầu tyw sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài sau khi có ý kiến chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
4. Thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Căn cứ Điều 59, Luật Đầu tư 2014 và Điều 9 nghị định 83/2015/NĐ-CP thì đối với các dự án đầu tư thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư. Còn đối với các dự án không thuộc trường hợp trên thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư là 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp, thì phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản nêu rõ lý do cùng với những căn cứ pháp lý rõ ràng.
5. Thủ tục xin cấp phép đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư sẽ tiến hành các thủ tục đầu tư tại nước ngoài theo quy định của pháp luật nước sở tại. Việc tiến hành thủ tục đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư thường do văn phòng luật, công ty luật tại nước tiếp nhận đảm nhiệm. các nhà đầu tư thông qua văn phòng luật, công ty luật tại nước sở tại yêu cầu cung cấp các thông tin như: Chính sách thu hút đầu tư, luật pháp liên quan đến hoạt động đầu tư, các tiềm năng và cơ hội đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể; các dự án cụ thể đã được chính phủ hai nước ký thỏa thuận; các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài; tìm hiểu và cập nhật các thay đổi chính sách, các chỉ số kinh tế vĩ mô của nước tiếp nhận đầu tư như quy mô, tốc độ tăng trường kinh tế, quan hệ hợp tác kinh tế giữa nước tiếp nhận với Việt Nam…
6. Thông báo thực hiện thủ tục đầu tư.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần thực hiện một số thủ tục có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam để triển khai dự án và tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh tại nơi tiếp nhận đầu tư.
Theo quy định tại Điều 72 khoản 3, điểm a, Luật Đầu tư 2014, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày dự án đầu tư được chấp thuận hoặc cấp phép theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải gửi thông báo bằng văn bản về việc thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài kèm theo bản sao văn bản chấp thuận dự án đầu tư hoặc tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư.
7. Mở tài khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài phải mở một tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phépn hoạt động ngoại hối tại Việt Nam. Ngoài ra, nhà đầu tư phải đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với ngân hàng nhà nước Việt Nam, bao gồm việc đăng ký các thông tin về nhà đầu tư, vốn đầu tư, tài khoản và tiến độ chuyển vốn đầu tư bằng tiền ra nước ngoài.
Trường hợp chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam, nhà đầu tư được mở và sử dụng đồng thời một tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam và một tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ. Trường hợp dự án đầu tư ở nước ngoài có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư phải mở một tài khoản vốn đầu tư riêng biệt để chuyển vốn ra nước ngoài trong phạm vi tổng vốn đầu tư và tỷ lệ phần vốn góp theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp.
Mọi giao dịch chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến dự án đầu tư được thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư này.
8. Nghĩa vụ tài chính
Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính phát sinh liên quan đến dự án đầu tư ra nước ngoài đối với nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật về thuế.
Việc miễn thuế xuất, nhập khẩu đối với phần vốn bằng hàng hóa, máy móc, thiết bị chuyển ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư và chuyển từ nước ngoài về Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế xuất, nhập khẩu.
9. Thông tin và báo cáo tình hình hoạt động thực hiện dự án đầu tư
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư sẽ được cấp tài khoản truy cập hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (bằng văn bản thông qua hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
Trên đây là nội dung chủ đề về “quy định về đầu tư ra nước ngoài” theo Luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành để Quý khách hàng tham khảo. Quý khách hàng còn những vướng mắc có thể kết nối đến tổng đài 1900 6284 để được tư vấn. Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến đầu tư ra nước ngoài, Quý khách hàng kết nối đến số máy hotline 097 393 8866; 091 611 0508, Phamlaw luôn sẵn sàng phục vụ.
————————————-
Bộ phận tư vấn Đầu tư và Doanh nghiệp – Công ty Luật Phamlaw
> xem thêm:

 

 

 

5/5 - (1 bình chọn)