Thủ tục thành lập công ty cho người nước ngoài tại Việt Nam

Thủ tục thành lập công ty cho người nước ngoài tại Việt Nam

Luật áp dụng

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020;
  • Luật Đầu tư 2020;
  • Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 26 tháng 3 năm 2021 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
  • Cam kết WTO;
  • Các hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới..

Một số lưu ý khi người nước ngoài thành lập pháp nhân tại Việt Nam:

Về tư cách đầu tư:

Một số lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam yêu cầu nhà đầu tư phải là tổ chức hoặc yêu cầu chứng minh kinh nghiệm năng lực tại nước ngoài trước khi đầu tư vào Việt Nam mà các yêu cầu đó chỉ có nhà đầu tư là tổ chức mới đáp ứng được như yêu cầu về vốn pháp định tại nước ngoài, thời gian hoạt động tại nước ngoài;

Nhà đầu tư cần phải xác định rõ sẽ đầu tư dưới hình thức là cá nhân hay pháp nhân nước ngoài để hiểu xác định loại hình doanh nghiệp mình thành lập, hồ sơ pháp lý, yêu cầu về visa, giấy phép lao động…

Về quốc tịch nhà đầu tư:

Trong trường hợp nhà đầu tư là cá nhân hay pháp nhân mang quốc tịch của một nước đã ký kết hiệp định thương mại hoặc đầu tư với Việt Nam, họ sẽ được hưởng các ưu đãi theo các hiệp định đó. Nếu nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân hay pháp nhân mang quốc tịch của một nước đã ký là thành viên WTO thì nhà đầu tư đó sẽ được hưởng các ưu đãi và chịu các hạn chế theo cam kết mà Việt Nam đã đưa ra khi gia nhập WTO. Ngược lại nhà đầu tư không mang quốc tịch của một nước thành viên WTO, nhà đầu tư này sẽ không được hưởng những chính sách ưu đãi trong WTO của Việt Nam, khi đó, hoạt động của nhà đầu tư sẽ được áp dụng theo pháp luật Việt Nam

Các loại hình doanh nghiệp cho nhà đầu tư:

Theo quy định Luật doanh nghiệp năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn loại hình doanh nghiệp để phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mình như: Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh. Mỗi loại hồ sơ tương ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp.

Quy trình thủ tục gồm các bước như sau:

Bước 1: Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Dự án của nhà đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư 2020 phải xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hồ sơ theo Điều 33 Luật Đầu tư 2020 gồm:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
  • Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
  • Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;

  • Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư; nhà đầu tư nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư;
  • Nhà đầu tư là cá nhân cần cung cấp thêm số dư tài khoản. Số dư trong tài khoản tối thiểu bằng số vốn điều lệ dự kiến thành lập công ty tại Việt Nam

Trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhà đầu tư  nước ngoài phải nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư.

Sau khi Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận hồ sơ, nhà đầu tư được cấp tài khoản truy cập Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, qua tài khoản này, nhà đầu tư theo dõi tình hình cập nhật và xử lý hồ sơ của mình.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do (điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Đầu tư 2020)

Bước 2: Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ để thành lập doanh nghiệp

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty hợp danh gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (mẫu Phụ lục I-5 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách thành viên.
  • Bản sao các giấy tờ nhân thân như Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên.
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư đã được cấp.

Hồ sơ đối với công ty TNHH gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (mẫu Phụ lục I-2 hoặc I-3 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT tương ứng với CT TNHH một thành viên, hai thành viên trở lên);
  • Điều lệ công ty do chủ sở hữu (CT TNHH một thành viên) hoặc do Hội đồng thành viên (CT TNHH hai thành viên trở lên) ký;
  • Danh sách thành viên công ty
  • Bản sao các giấy tờ sau đây: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
  • Hợp đồng thuê trụ sở chính công ty (chỉ áp dụng đối với trường hợp trụ sở chính công ty đặt tại nhà tầng)
  • Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư đã được cấp.

Hồ sơ đối với công ty Cổ phần gồm:

Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (mẫu Phụ lục I-4 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);

  • Điều lệ công ty (có họ, tên và chữ ký của cổ đông sáng lập là cá nhân; người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức);
  • Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (danh sách người đại diện theo ủy quyền nếu có) theo mẫu Phụ lục I-7 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);
  • Bản sao các giấy tờ sau đây: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
  • Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư đã được cấp.

Thời gian trả kết quả: 05 đến 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Thực tế, thời gian trả kết quả sẽ lâu hơn quy định (từ 8 đến 12 ngày làm việc)

Thủ tục thành lập công ty cho người nước ngoài tại Việt Nam- Luật Phamlaw

xem thêm:

 

 

 

 

 

5/5 - (1 bình chọn)