Chồng (vợ) không cung cấp giấy tờ khi một bên yêu cầu đơn phương ly hôn

Chồng (vợ) không cung cấp giấy tờ khi một bên yêu cầu đơn phương ly hôn

Trong đời sống hôn nhân của mỗi cặp vợ chồng có những hoàn cảnh, những cuộc đời khác nhau, và ai cũng có những lý lẽ riêng để giải thích về những quyết định những hành động của mình. Hôn nhân với mục đích gây dựng một gia đình trở thành một tế bào của xã hội nhưng không phải tất cả các cuộc hôn nhân đều đạt được mục đích đó, khi một bên đã quá mệt mỏi thì mong muốn được ly hôn để giải thoát cho họ hậu quả tất yếu. Đối với những cuộc ly hôn đồng thuận thì không nói làm gì khi cả hai đều tìm ra tiếng nói chung thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết êm đẹp. Song những cuộc ly hôn đơn phương thì khác, người này đồng ý người kia không. Hai vợ chồng trở thành hai chiến tuyến gây cho nhau vô vàn những khó khăn để bên kia không thể đạt được mục đích ly hôn như mình mong muốn. Khi đó không chỉ đơn thuần là mẫu thuẫn tranh chấp về tài sản, quyền nuôi con…người không đồng ý ly hôn tìm mọi cách để cản trở việc ly hôn của hai người được tiến hành. Một trong số đó việc cản trở để người kia không thể hoàn thành thủ tục về hành chính được nhiều người áp dụng.

Có nhiều trường hợp vợ (chồng) cố tình không cung cấp, cất giấu, hủy bỏ giấy tờ liên quan để chồng (vợ) không thể tiến hành các thủ tục nộp đơn ly hôn. Vậy cần phải làm gì trong những trường hợp đó. Để biết rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật hôn nhân và gia đình 2014

Bộ Luật tố tụng dân sự 2015

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Đơn phương ly hôn là gì?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo đó, ly hôn đơn phương là trường hợp chỉ có 1 bên muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng mà bên kia không mong muốn. Hoặc cũng có thể hai bên vợ chồng không thể thống nhất về quyền nuôi con, phân chia tài sản sau khi ly hôn cũng được gọi là trường hợp đơn phương ly hôn.

2. Điều kiện để được giải quyết đơn phương ly hôn

Căn cứ theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Theo như quy định trên, để được Tòa án chấp thuận việc ly hôn, thể hiện qua bản án của Tòa án thì người nộp đơn ly hôn cần chứng minh được bên còn lại thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình khi hai bên chung sống với nhau gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần của người nộp đơn hoặc các hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Như vậy, khi bên yêu cầu ly hôn chứng minh được các điều kiện trên là có căn cứ thì Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn.

3. Chồng (vợ) không cung cấp giấy tờ khi một bên yêu cầu đơn phương ly hôn

Theo quy định của pháp luật để nộp đơn yêu cầu giải quyết việc đơn phương ly hôn hay thuận tình thì đều cần đầy đủ các giấy tờ sau:

  • Đơn yêu cầu giải quyết việc đơn phương ly hôn.
  • Bản chính Giấy Đăng ký kết hôn (ĐKKH).
  • Bản sao Sổ hộ khẩu của cả hai vợ chồng.
  • Bản sao CMTND của cả hai vợ chồng.
  • Bản sao giấy khai sinh của các con (nếu có)
  • Bản sao các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản chung của hai vợ chồng.

Theo đó khi gặp khó khăn khi không thể có được những tài liệu nêu trên thì cần làm gì?

  • Về sổ hộ khẩu: Liên hệ với công an cấp phường, xã để có được sự xác nhận về việc hai vợ chồng là các cá nhân thường trú thường xuyên tại địa phương. (có thể làm thành một giấy xác nhận riêng, hoặc xác nhận trực tiếp nội dung này vào đơn ly hôn)
  • Về đăng ký kết hôn: Liên hệ với cơ quan hộ tích quản lý về đăng ký và lưu trữ hồ sơ ĐKKH cấp xã nơi đã cấp bản chính ĐKKH cho hai vợ chồng để được trích lục và cấp bản sao.
  • Về giấy khai sinh: cũng tương tự, Bộ phận hộ tịch sẽ trích lục bản sao khi công dân có yêu cầu.
  • Còn đối với giấy chứng minh quyền sở hữu chung tài sản, CMTND của người kia nếu không có thì khi nộp hồ sơ, tốt nhất là hãy trình bày rõ hoàn cảnh và khéo léo để tòa án thụ lý hồ sơ của mình. Khi đó, về sau trong quá trình thực hiện thủ tục tòa tất sẽ có yêu cầu độc lập để yêu cầu đương sự còn lại phải cung cấp cho tòa. Bên cạnh đó về nguyên tắc, khi nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Tòa án, bạn có nghĩa vụ cung cấp giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân, nhân thân của vợ, chồng… (Điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) mặc dù vậy kể cả trong trường hợp bạn không có những chứng cứ đó nhưng bạn vẫn có thể nộp đơn ly hôn và tường trình về hoàn cảnh thực tế của mình không thể có các giấy tờ trên trước Tòa án và yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập các giấy tờ đó (Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể liên hệ với tổng đài tư vấn 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Chồng (vợ) không cung cấp giấy tờ khi một bên yêu cầu đơn phương ly hôn – Luật Phamlaw

4.3/5 - (3 bình chọn)