Quy trình thủ tục cấp phép đầu tư

Quy trình cấp giấy phép đầu tư

Các dự án đầu tư nói chung đều cần các quy trình thủ tục như xin cấp quyết định chủ trương đầu tư, thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận doanh nghiệp…Do vậy, bài viết dưới đây Phamlaw xin được hỗ trợ tư vấn Quý khách hàng đầu tư bài viết có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ có liên quan đến thủ tục này.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đầu tư năm 2020;

Nghị định 31/2021/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Hồ sơ cấp giấy phép đầu tư là gì?

Giấy chứng nhận đầu tư là giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền ban hành cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và thường giấy chứng nhận đầu tư được gắn liền với các dự án đầu tư, hiện nay phần lớn giấy chứng nhận đầu tư được áp dụng cho cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư là hồ sơ do nhà đầu tư lập để thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác để thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020.

Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư hợp lệ là hồ sơ có đủ thành phần, số lượng giấy tờ theo quy định tại Luật Đầu tư nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật.

2. Xin cấp quyết định chủ trương đầu tư

Các dự án đầu tư sau đây phải có Quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tùy thuộc vào lĩnh vực, quy mô và phạm vi tác động của dự án đối với môi trường và dân sinh:

  • Các dự án có ảnh hưởng đến môi trường;
  • Các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy mô lớn, di dân tái định cư quy mô lớn, phát triển cơ sở hạ tầng;
  • Các dự án thuộc một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, ví dụ các dự án liên quan đến dầu khí, dự án sản xuất thuốc lá, dự án phát triển hạ tầng, dự án sân gôn;
  • Các dự án có quy mô từ 5.000 tỷ trở lên;
  • Các dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất không qua đấu thầu, có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và có sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao.
Quy Trinh Thu Tuc Cap Phep Dau Tu
Quy trình thủ tục cấp phép đầu tư

3. Các trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Theo quy định tại điều 37 Luật đầu tư 2020, các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:

– Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;

– Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế: Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

+ Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

+ Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

4. Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:

– Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;

– Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế: Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư 2020 thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

– Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

5. Điều kiện cần đáp ứng khi xin cấp giấy chứng nhận đầu tư

Để tiến hành đề nghị cấp giấy chứng nhận, các nhà đầu tư cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, Dự án đầu tư không được thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành.

Thứ hai, Nhà đầu tư có địa điểm thực hiện dự án đầu tư hợp pháp.

Thứ ba, Dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch

Nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:

  • Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có);
  • Đánh giá nhu cầu sử dụng đất;
  • Đánh giá sơ bộ về hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án đầu tư; đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
  • Đánh giá về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư (nếu có);
  • Đánh giá về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định hoặc lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
  • Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư bảo đảm yêu cầu đồng bộ; sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.

Thứ tư, Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có)

Thứ năm, Đáp ứng các điều kiện về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

6. Quy trình cấp giấy phép đầu tư

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ Điều 36 của Nghị định số 31/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư nước ngoài cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm các tài liệu như sau:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, bao gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
  • Tài liệu về tư cách của nhà đầu tư: (1) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu còn hiệu lực, các giấy tờ chứng thực cá nhân khác đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; (2) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận thành lập, Quyết định thành lập hoặc các tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương đối với nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức.
  • Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
  • Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.
  • Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
  • Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
  • Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

Lưu ý: Các tài liệu do nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt và được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bước 2. Nộp hồ sơ

Căn cứ khoản 1 Điều 38 Nghị định 31/2021/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đầu tư thì “Trước khi thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhà đầu tư nộp hồ sơ cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư. Quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày khai hồ sơ trực tuyến mà cơ quan đăng ký đầu tư không nhận được hồ sơ thì hồ sơ kê khai trực tuyến không còn hiệu lực”.

Như vậy, trước khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhà đầu tư phải nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư.

Bước 3. Nhận kết quả

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

Phamlaw giới thiệu Quý khách hàng, quý bạn đọc về Quy trình thủ tục cấp phép đầu tư. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và có sử dụng thêm từ sách “sổ tay luật sư” – Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật. Quý khách hàng còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối số tổng đài tư vấn miễn phí 1900 6284 của Phamlaw. Để được hỗ trợ dịch vụ, Quý khách hàng kết nối số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0506, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

———————————

Bộ phận Đầu tư và Doanh nghiệp – Công ty Luật Phamlaw

xem thêm:

Quy trình cấp giấy phép đầu tư – Luật Phamlaw

5/5 - (2 bình chọn)