Nghỉ thai sản trong đợt tăng lương có được xét tăng lương không?

Nghỉ thai sản trong đợt tăng lương có được xét tăng lương không?

Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ email Phươnghoa…@gmail.com với nội dung câu hỏi như sau:

Công ty mình có đợt xét tăng lương từ tháng 07/2022, mình làm đến giữa tháng 06/2022 thì nghỉ sinh con. Vậy cho mình hỏi, thời gian mình nghỉ thai sản trong đợt tăng lương của công ty thì mình có được tăng lương không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật lao động 2019

Văn bản hợp nhất 19/2019/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Bảo hiểm xã hội

Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Chế độ thai sản là gì?

Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng (bao gồm cả lao động nam và nữ) trong quá trình thai sản từ khi khám thai đến khi nuôi con nhỏ. Chế độ nhằm bảo đảm, hỗ trợ một phần thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ, thực hiện các biện pháp tránh thai và cho lao động nam khi có vợ sinh con.

Thai sản là chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc do Nhà nước ban hành nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động trong thời gian sinh con. Chế độ BHXH thai sản tạo điều kiện cho nữ giới vừa hoàn thành tốt chức năng làm mẹ, vừa làm công tác xã hội cũng như đảm bảo thu nhập cho phụ nữ trong thời gian sinh con. Ngoài ra, chế độ này còn đảm bảo quyền được chăm sóc trẻ sơ sinh cũng như sức khỏe cho phụ nữ khi sinh con.

Nghi Thai San Trong Dot Tang Luong Co Duoc Xet Tang Luong Khong
Nghi Thai San Trong Dot Tang Luong Co Duoc Xet Tang Luong Khong

2. Điều kiện lao động nữ được hưởng chế độ thai sản

Thứ nhất, Đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi với đối tượng:

+ Lao động nữ sinh con

+ Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ

+ Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi

Thứ hai, Đóng BHXH bắt buộc từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước sinh với đối tượng lao động nữ phải nghỉ việc dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền.

Lưu ý: Lao động nữ đủ 1 trong 2 điều kiện trên mà chấm dứt Hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

3. Nghỉ thai sản trong đợt tăng lương có được xét tăng lương không?

Theo Điều 34 Văn bản hợp nhất 19/2019/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Đây là khoảng thời gian khá dài có thể có nhiều thay đổi trong công việc của người lao động cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Do vậy, pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào về các sự kiện được tính hay không được tính vào thời gian nâng lương của người lao động, mà trao cho người lao động và người sử dụng lao động được tự do thỏa thuận.

Cụ thể Nghị định 145/2020/NĐ-CP giải thích rõ điều khoản hợp đồng về chế độ nâng bậc, nâng lương. Theo đó, sẽ thực hiện theo thỏa thuận riêng giữa người lao động và người sử dụng lao động về điều kiện nâng lương hoặc theo quy chế của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Như vậy, thời gian nghỉ thai sản có được xét nâng lương hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và nội quy, quy chế của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, căn cứ tại Khoản 4 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH và khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/2017/QĐ-BHXH quy định như sau:

“Điều 12. Mức hưởng chế độ thai sản

4. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 2 Điều này, được ghi theo mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản người lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương”.

Vì vậy, trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản mà bạn được nâng lương thì mức hưởng chế độ thai sản được ghi theo mức tiền lương mới từ thời điểm bạn được nâng lương.

Trên đây là tư vấn của Phamlaw về nội dung nghỉ thai sản trong đợt tăng lương có được xét tăng lương không? Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)