Lao động nữ nghỉ thai sản có được tính phép năm?

Lao động nữ nghỉ thai sản có được tính phép năm?

Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ bạn có email Hoaianh…@gmail.com với nội dung như sau:

Tôi làm công nhân may tại Doanh nghiệp X được 3 năm và tháng 02/2022 tôi có xin nghỉ đẻ 6 tháng. Tôi muốn hỏi là sáu tháng tôi nghỉ có được tính phép năm hay không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật lao động 2019

Nghị định 145/2020/NĐ-CP

Văn bản hợp nhất 50/2018/VBHN-VPQH Luật Bảo hiểm xã hội

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Nghỉ phép năm là gì?

Nghỉ phép năm là quyền lợi của người lao động đã được quy định trong Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tùy vào môi trường làm việc, tính chất công việc và quy định tại mỗi nơi làm việc mà người lao động sẽ được hưởng chế độ nghỉ phép năm khác nhau. Số ngày nghỉ phép năm có thể là 12, 14 hoặc 16 ngày trong vòng 1 năm.

Đây là một trong những chế độ nghỉ ngơi của người lao động được nhà nước quy định để đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho người lao động. Khi đáp ứng được điều kiện về thời gian làm việc cho một người sử dụng lao động thường xuyên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả chế độ nghỉ phép hằng năm.

2. Nghỉ thai sản là gì?

Nghỉ thai sản hay còn gọi là nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi hoặc nghỉ việc khi vợ sinh con là một chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Trên thực tế, khi người lao động làm việc, thông thường họ sẽ không có hoặc không đủ thời gian để được nghỉ ngơi trong những dịp cần thiết, đặc biệt là sau thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi. Do vậy, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định về chế độ thai sản khi tham gia bảo hiểm xã hội và chế độ nghỉ phép hằng năm là một trong những việc làm cần thiết, quan trọng, góp phần khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, cũng như tự bảo vệ các quyền lợi chính đáng cho mình.

3. Thời gian nghỉ thai sản có được dùng để tính phép năm không?

Căn cứ khoản 1 Điều 34 Văn bản hợp nhất 50/2018/VBHN-VPQH Luật Bảo hiểm xã hội quy định như sau:

“Điều 34. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con

1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.”

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì nghỉ thai sản hay còn gọi là nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi hoặc nghỉ việc khi vợ sinh con là một chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, căn cứ theo Điều 113 Bộ luật lao động 2019 quy định người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

  • 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
  • 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
  • 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Trong đó, thời gian được coi được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm được hướng dẫn tại Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

– Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động 2019 nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.

– Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

– Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động 2019.

– Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.

– Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.

– Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.

– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

– Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.

– Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

– Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.

Như vậy, chế độ nghỉ thai sản được Văn bản hợp nhất 50/2018/VBHN-VPQH Luật Bảo hiểm xã hội quy định chứ không phải là chế độ nghỉ hằng năm. Do đó, bạn vẫn được nghỉ phép hằng năm. Số ngày nghỉ phép năm có thể là 12, 14 hoặc 16 ngày trong vòng 1 năm tùy thuộc vào tính chất công việc của bạn. Trong đó, thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm được hướng dẫn cụ thể, chi tiết tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, theo đó, thời gian làm việc cho người lao động là cơ sở để xác định chính xác số ngày nghỉ hằng năm cho người lao động có bao gồm thời gian nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw đối với câu hỏi của bạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì chưa rõ ràng, có thể gây nhầm lẫn hoặc khiến bạn chưa hiểu hết vấn đề, Phamlaw rất mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Lao động nữ nghỉ thai sản có được tính phép năm? Luật Phamlaw

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)