Thủ tục cung cấp dữ liệu đất đai

Thủ tục cung cấp dữ liệu đất đai

Hiện nay, nhu cầu về việc sử dụng đất ngày càng tăng, đồng thời cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng về khoa học, công nghệ đòi hỏi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải xây dựng hệ thống thông tin đất đai để quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất. Việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai có những vai trò quan trọng đối với hoạt động quản lý đất đai của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng như đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể sử dụng đất đồng thời hạn chế những rủi ro khi mua bán nhà đất hoặc các giao dịch khác liên quan đến đất đai, người dân có thể yêu cầu cung cấp thông tin về thửa đất. Để hiểu rõ hơn về thủ tục cung cấp dữ liệu đất đai, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

Nghị định 01/2017/NĐ-CP

Nghị định số 43/2014/NĐ-CP

Nghị định 148/2020/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Hệ thống thông tin đất đai là gì?

Căn cứ tại điều 3 luật Đất đai 2013 thì Hệ thống thông tin đất đai là  hệ thống tổng hợp các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, dữ liệu và quy trình, thủ tục được xây dựng để thu thập, lưu trữ, cập nhật, xử lý, phân tích, tổng hợp và truy xuất thông tin đất đai.

Thông qua hệ thống thông tin đất đai mà việc khai thác, chia sẻ các thông tin đất đai giữa các cơ quan và các bên liên quan như cơ quan thuế, công chứng, ngân hàng, cơ quan thanh tra, điều tra, tư pháp để thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành, đặc biệt là những thông tin liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, giá đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính bền vững và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều, cho thấy những hiệu quả lâu dài đối với hoạt động quản lý đất đai của các cơ quan chức năng.

2. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai

Những cơ quan cung cấp dữ liệu thông tin về đất đai được quy định Điều 15 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, cụ thể như sau:

– Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai ở Trung ương là Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

– Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai ở địa phương là Văn phòng đăng ký đất đai.

Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính.

3. Trình tự thực hiện thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin đất đai

Theo khoản 4 Điều 28 Luật Đất đai 2013 quy định cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Theo đó, căn cứ điều 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin đất đai được thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu đến văn phòng đăng ký đất đai (văn phòng đăng ký đất đai được tổ chức thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh và có các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở các huyện) hoặc UBND cấp xã.

+ Phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai theo Mẫu số 01/PYC được ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

– Tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu đến tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Sở Tài nguyên và Môi trường ; Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của cấp huyện hoặc cấp xã.

– Cán bộ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ:

+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy hẹn trao cho người nộp hồ sơ.

+ Trường hợp phiếu yêu cầu thiếu hoặc không hợp lệ thì Cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để người nộp hồ sơ bổ sung, làm lại cho kịp thời.

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

– Khi nhận được phiếu yêu cầu, văn bản yêu cầu hợp lệ của tổ chức, cá nhân, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện việc cung cấp dữ liệu cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác dữ liệu. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính (trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính) cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do;

– Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu. Đối với các trường hợp khai thác dữ liệu cần phải tổng hợp, xử lý trước khi cung cấp cho tổ chức, cá nhân thì phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu.

Bước 4: Trả kết quả

– Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.

– Đối với các trường hợp khai thác dữ liệu cần phải tổng hợp, xử lý trước khi cung cấp cho tổ chức, cá nhân thì phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu.

Thời hạn giải quyết: Trường hợp nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo; Trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai dưới hình thức tổng hợp thông tin thì thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai được xác định theo thỏa thuận giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và người có yêu cầu bằng hình thức hợp đồng.

MỘT SỐ LƯU Ý

1. Trường hợp được cung cấp dữ liệu đất đai

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu đến Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai hoặc Văn phòng đăng ký đất đai.

2. Trường hợp không được cung cấp dữ liệu đất đai

Căn cứ điều 13 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, những trường hợp không được cung cấp dữ liệu đất đai gồm:

– Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu mà nội dung không rõ ràng, cụ thể; yêu cầu cung cấp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật Nhà nước không đúng quy định.

– Văn bản yêu cầu không có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu xác nhận đối với tổ chức; phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân yêu cầu cung cấp dữ liệu.

– Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định của pháp luật.

– Không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định gồm: Phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai; chi phí in ấn, sao chụp hồ sơ, tài liệu; chi phí gửi tài liệu (nếu có).

Như vậy, chỉ cần thuộc một trong những lý do nêu trên thì cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai có quyền từ chối cung cấp thông tin thửa đất, thông tin địa chính.

Trên đây tư vấn của Phamlaw về thủ tục cung cấp dữ liệu đất đai, nếu có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất

5/5 - (1 bình chọn)