Mẫu giấy triệu tập của tòa án

Mẫu giấy triệu tập của tòa án

Giấy triệu tập được sử dụng để triệu tập các bên đương sự có liên quan đến một vụ việc/ vụ án để cung cấp thông tin liên quan nhằm phục vụ cho quá trình tố tụng dân sự hoặc hình sự được diễn ra thuận lợi. Để hiểu rõ hơn về mẫu giấy triệu tập của Tòa án, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Mẫu giấy triệu tập của tòa án là gì?

Giấy triệu tập là biểu mẫu được sử dụng trong hoạt động tố tụng. Giấy triệu tập được sử dụng để triệu tập các bên đương sự có liên quan đến một vụ việc/ vụ án để cung cấp thông tin liên quan nhằm phục vụ cho quá trình tố tụng dân sự hoặc hình sự được diễn ra thuận lợi. Do đó, khi nhận được giấy này thì dù phạm luật hay không thì người dân vẫn rất hoang mang và lo sợ trong trường hợp này.

2. Nội dung của giấy triệu tập

Mẫu giấy triệu tập đúng chuẩn phải đảm bảo các nội dung sau đây:

Thứ nhất, về hình thức: Theo quy định pháp luật thì phải đảm bảo về mặt hình thức của một văn bản pháp luật phải có đầy đủ quốc hiệu; tiêu ngữ; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành giấy triệu tập và có chữ ký của người có thẩm quyền, đóng dấu của cơ quan đó.

Thứ hai, về nội dung:  Giấy triệu tập phải ghi rõ họ tên, chỗ ở của người bị triệu tập; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Theo đó, cần phải xem kỹ lý do triệu tập được nêu trong văn bản để xác định xem mình có vai trò gì, liên quan như thế nào với vụ án. Việc triệu tập chỉ được áp dụng với những người tham gia tố tụng vụ án hình sự. Do đó, việc xác định mình là ai, có vai trò như thế nào trong vụ án hình sự là vô cùng quan trọng để tiếp theo đó là xác định những quyền và nghĩa vụ của mình đối với việc triệu tập.

3. Trường hợp nào Tòa án được phép triệu tập người dân lên làm việc?

Việc phải có mặt theo Mẫu giấy triệu tập là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các đối tượng sau:

– Bị can: Phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (theo khoản 3 Điều 60 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015)

– Bị cáo: Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án (điểm a khoản 3 Điều 61 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015)

– Bị hại: Là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điểm a khoản 4 Điều 62 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015)

– Nguyên đơn dân sự: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 3 Điều 63 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015)

– Bị đơn dân sự: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bị đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điểm a khoản 3 Điều 64 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015).

– Người làm chứng: Là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng và phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 4 Điều 66 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015).

– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, Người giám định, Người định giá tài sản, Người phiên dịch, Người dịch thuật có phải có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Quy định về triệu tập đương sự của Tòa án

Pháp luật tố tụng dân sự quy định chủ thể có nhiệm vụ, quyền hạn triệu tập đương sự chính là Thẩm phán khi được Chánh án Tòa án phân công (khoản 9 Điều 48 BLTTDS 2015). Thẩm phán chỉ triệu tập người tham gia “phiên tòa, phiên họp”. Nếu Tòa án triệu tập đối với những hoạt động tố tụng không phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì đây chính là một trong những trường hợp xác định Tòa án đã thực hiện việc triệu tập không hợp lệ.

5. Mẫu giấy triệu tập của Tòa án

Quý khách hàng có thể tham khảo và tải mẫu giấy triệu tập của Tòa án tại đây:

TÒA ÁN NHÂN DÂN…CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 Số:…/….

…, ngày … tháng … năm…

GIẤY TRIỆU TẬP ĐƯƠNG SỰ

Lần thứ …

Kính gửi: Ông (Bà) ……………………………………………….……………………………………………….………………………….….

Địa chỉ: ………………………………………………….……………………………………………….………….………………………….….

Tòa án nhân dân báo cho đương sự biết với tư cách: ………………………………………………….…….…………………………….

Trong vụ kiện: ………………………………………………….……………………………………………….…….…………………………

Đúng … giờ …, ngày … tháng … năm …

Phải có mặt tại Tòa án nhân dân …. để: ….……………………………………………….……………………………………………….….

Khi đến Tòa đương sự cầm theo giấy triệu tập này và các giấy tờ khác có liên quan đến vụ án.

Nếu đương sự vắng mặt không có lý do chính đáng thì Tòa án có thể xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không đến được thì phải báo trước để Tòa án xét xử hoặc ủy quyền cho người khác tham gia.

                               TÒA ÁN NHÂN DÂN …

                    THẨM PHÁN

6. Xử lý việc vắng mặt của đương sự khi Tòa án đã triệu tập hợp lệ

Để bảo đảm quyền, đồng thời cũng là nghĩa vụ của đương sự có mặt tại phiên tòa thì Tòa án phải tiến hành triệu tập hợp lệ các đương sự và người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ (nếu có những người này) đến phiên tòa. Tòa án chỉ được xét xử vắng mặt đương sự trong các trường hợp pháp luật có quy định, khi đó việc xét xử mới được coi là hợp pháp.

Căn cứ theo điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:

Thứ nhất, Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà có người thuộc đối tượng nói trên vắng mặt, họ không có đơn xin xét xử vắng mặt thì không cần phân biệt việc vắng mặt đó có lý do chính đáng hay không có lý do chính đáng đều phải hoãn phiên tòa. Khi hoãn phiên tòa, Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa; đối với đương sự vắng mặt thì phải gửi văn bản thông báo việc hoãn phiên tòa cho họ biết. Tòa án chỉ xử vắng mặt họ khi họ có đơn xin xét xử vắng mặt.

Thứ hai, Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà có người vắng mặt với lý do có sự kiện bất khả kháng thì Tòa án phải hoãn phiên tòa.

Nếu sự vắng mặt đó không phải vì lý do bất khả kháng thì tùy từng trường hợp cụ thể mà xử lý như sau:

– Nếu đối tượng vắng mặt là nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn xin xét xử vắng mặt.

– Nếu bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án có quyền xét xử vắng mặt họ.

– Nếu bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án xét xử vắng mặt họ và khi xét xử không xem xét yêu cầu phản tố của họ trong vụ án. Yêu cầu phản tố của bị đơn sẽ bị Tòa án đình chỉ giải quyết, trừ trường hợp bị đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có yêu cầu phản tố có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó, nếu còn thời hiệu khởi kiện.

– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó. Nếu họ có đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa án không đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập mà sẽ tiến hành xét xử vắng mặt họ.

– Nếu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án nhân dân vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Đối với trường hợp nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai, và không có sự kiện bất khả kháng mà vắng mặt nên đã bị Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với đơn khởi kiện, đơn yêu cầu độc lập, thì sau này nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vẫn có quyền khởi kiện lại, Tòa án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục chung. Sau khi thụ lý, nếu thấy thời hiệu khởi kiện đã hết thì Tòa án căn cứ vào điểm h khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đình chỉ giải quyết vụ án, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn thì tùy theo tài liệu, chứng cứ mà các bên xuất trình, Tòa án thu thập được để quyết định.

Lưu ý: Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về sự kiện bất khả kháng, cần hiểu sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Như vậy, Mẫu giấy triệu tập của Tòa án đã được chúng tôi trình bày chi tiết trong bài viết phía trên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã nêu một số đặc điểm, những trường hợp triệu tập theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn còn thắc mắc, cần tư vấn các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

5/5 - (1 bình chọn)