Thủ tục cấp mới văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Thủ tục cấp mới văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong sở hữu trí tuệ là một loại giấy tờ để xác lập, chứng minh quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu,… Hơn nữa đây còn là một nguồn chứng cứ quan trọng khi có tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp vì văn bằng bảo hộ đã ghi nhận mọi thông tin về chủ sở hữu, đối tượng, phạm vi bảo hộ, thời hạ bảo hộ…   Quyền sở hữu công nghiệp sẽ phát sinh khi được cấp văn bằng bảo hộ nên việc đăng ký cấp văn bằng bảo hộ là rất cần thiết. Nhận thấy được điều đó, Bằng kinh nghiệm thực tế, Luật Phamlaw xin giới thiệu cụ thể quy trình, thủ tục, các bước như sau:

Thu Tuc Cap Moi Van Bang Bao Ho Quyen So Huu Cong Nghiep
Thủ tục cấp mới văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Bước 1. Chuẩn bị đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau đây (khoản 1 Điều 100 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019):

  • Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định (xem chi tiết trên trang điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ đối với từng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp).
  • Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.
  • Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện.
  • Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác.
  • Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Đơn đăng ký này phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau được làm bằng ngôn ngữ khác:

  • Giấy ủy quyền.
  • Tài liệu chứng minh quyền đăng ký.
  • Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên.
  • Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

Nếu như đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được quyền ưu tiên theo quy định thì cần có tài liệu chứng minh bao gồm:

  • Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên.
  • Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.

Bước 2. Nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Các tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp trực tiếp bằng văn bản hoặc nộp gián tiếp bằng bản điện tử qua hệ thống nộp đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ. Cụ thể việc nộp đơn được quy định như sau:

  • Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
  • Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

Bước 3. Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tiếp nhận đơn đăng ký

Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp chỉ tiếp nhận đơn đăng ký khi có ít nhất các thông tin và tài liệu sau (khoản 1 Điều 108 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019):

  • Tờ khai đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, trong đó có đủ thông tin để xác định người nộp đơn và mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu.
  • Bản mô tả, trong đó có phạm vi bảo hộ đối với đơn đăng ký sáng chế; bộ ảnh chụp, bản vẽ, bản mô tả đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp; bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý.
  • Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn.

Bước 4. Thẩm định hình thức đơn đăng ký

Việc thẩm định hình thức đơn đăng ký nhằm xem xét tính hợp lệ của đơn. Trong giai đoạn này sẽ xảy ra hai trường hợp:

Trường hợp 1. Đơn đăng ký không hợp lệ.

Đơn đăng ký không hợp lệ nếu thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 109 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019. Khi đó cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp sẽ thực hiện một trong các thủ tục sau:

  • Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối.
  • Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 Điều 109 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019.
  • Thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí.

Trường hợp 2. Đơn đăng ký hợp lệ hoặc người nộp đơn sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 Điều 109 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019.

Khi đó cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ hoặc thực hiện thủ tục cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 118 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí.

Đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối bị coi là không được nộp, trừ trường hợp đơn được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Bước 5. Công bố đơn đăng ký

Đơn đăng ký được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận hợp lệ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Cụ thể (Điều 110 Luật Sở hữu trí tuệ tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019):

  • Đơn đăng ký sáng chế: được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn.
  • Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý: được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.
  • Đơn đăng ký thiết kế bố trí: được công bố dưới hình thức cho phép tra cứu trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp nhưng không được sao chép; đối với thông tin bí mật trong đơn thì chỉ có cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc quá trình thực hiện thủ tục xử lý hành vi xâm phạm quyền mới được phép tra cứu. Các thông tin cơ bản về đơn đăng ký thiết kế bố trí và văn bằng bảo hộ thiết kế bố trí được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ.

Bước 6. Thẩm định nội dung

Thẩm định nội dung không đặt ra đối với thiết kế bố trí mà chỉ đặt ra để đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ cho các đối tượng theo các điều kiện sau:

  • Đơn đăng ký sáng chế đã được công nhận là hợp lệ và có yêu cầu thẩm định nội dung nộp theo quy định.
  • Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đã được công nhận là hợp lệ.

Bước 7. Cấp văn bằng bảo hộ

Việc cấp văn bằng bảo hộ chỉ được đặt ra khi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không thuộc các trường hợp bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 và người nộp đơn nộp lệ phí. Khi đó, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

Trên đây là nội dung tư vấn về Thủ tục cấp mới văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Để được hỗ trợ các dịch vụ về đăng ký cấp văn bằng bảo hộ; Đăng ký quyền tác giả; Tư vấn liên quan đến tranh chấp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…Quý khách vui lòng kết nối số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508. Để được hỗ trợ tư vấn, Quý khách gọi 1tổng đài 1900…chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ.

Xem thêm: Những lưu ý trước khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

————————–

Phòng thủ tục hành chính – Luật Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)