Những trường hợp hạn chế phân chia di sản thừa kế

Những trường hợp hạn chế phân chia di sản thừa kế

Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ bạn có email Anhnguyen …@gmail.com với nội dung câu hỏi như sau:

Thưa luật sư,

Cách đây 4 năm, tôi và chồng tôi có mua 1 căn nhà với diện tích là 50m2 để hai vợ chồng tôi sinh sống tại đó. Sau khi đẻ đứa con đầu lòng chưa đầy 2 tuổi thì chồng tôi mất do tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm về. Sau khi chồng tôi mất, gia đình chồng đòi chia căn nhà mà tôi đang ở. Hiện tại cuộc sống tôi rất khó khăn vì con tôi còn nhỏ, tôi cũng không có nơi nào để ở. Tôi muốn hỏi, đối với trường hợp của tôi thì tôi có nằm trong các trường hợp hạn chế phân chia di sản thừa kế không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi. Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật hôn nhân và gia đình 2014

Bộ luật dân sự 2015

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Hạn chế phân chia di sản thừa kế là gì?

Hạn chế phân chia di sản là việc phân chia di sản sau một quãng thời gian nhất định, phụ thuộc vào ý chí của người để lại di sản, theo thỏa thuận của những người thừa kế hoặc theo quy định của pháp luật. Hạn chế phân chia di sản xảy ra đối với cả phân chia di sản theo di chúc và phân chia di sản theo pháp luật.

Trong một số trường hợp nhất định nhằm tôn trọng ý chí của các chủ thể và đảm bảo sự ổn định cuộc sống, di sản có thể bị hạn chế phân chia. Để đảm bảo việc phân chia di sản thừa kế là một quy trình phải được thực hiện đúng, đủ dựa trên tinh thần tự nguyện không bị lừa dối, ép buộc thì mới hợp pháp, cần phải đảm bảo các điều kiện sau:

Thứ nhất, Nguyên tắc tôn trọng ý chí của người để lại di sản

Bộ luật dân sự 2015 căn cứ nguyên tắc này nên quy định rất rõ ràng về việc chỉ phân chia thừa kế theo pháp luật khi:

  • Không có di chúc;
  • Di chúc không hợp pháp;
  • Có di chúc nhưng những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
  • Có di chúc nhưng những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Thứ hai, Nguyên tắc đảm bảo quyền thừa kế của người hưởng di sản

Căn cứ khoản 2 Điều 32 Hiến pháp thì quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ, quy định này phù hợp với quy định về phân chia di sản thừa kế theo pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc thừa kế theo pháp luật được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
  • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
  • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

2. Những trường hợp hạn chế phân chia di sản thừa kế

Nhung Truong Hop Han Che Phan Chia Di San Thua Ke
Những trường hợp hạn chế phân chia di sản thừa kế

Căn cứ tại Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc hạn chế phân chia di sản như sau:

Thứ nhất, Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Thứ hai, Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.

Tuy nhiên, việc hạn chế này chỉ là tạm thời trong một khoảng thời gian. Trong thời gian này, người người thừa kế vẫn có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng, nhưng không có quyền yêu cầu chia di sản.

Căn cứ vào quy định trên thì di sản sẽ bị hạn chế chia trong 03 trường hợp sau:

Một, theo ý chí của người để lại di sản

Căn cứ tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc là văn bản thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo đó, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

Khi lập di chúc, người để lại di sản có quyền quy định về thời điểm chia di sản là sau một quãng thời gian nhất định hoặc sau một sự kiện mà họ xác định sẽ xảy ra trong tương lai. Thông thường sau thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có quyền yêu cầu chia di sản, tuy nhiên trong trường này họ không có quyền yêu cầu hoặc yêu cầu không được chấp nhận trước khi xảy ra sự kiện hoặc trước thời hạn, mà người để lại di chúc đã yêu cầu trong nội dung của di chúc.

Hai, theo thỏa thuận của những người được hưởng thừa kế

Thỏa thuận của người thừa kế về hạn chế phân chia di sản có thể xảy ra cả trong trường hợp chia di sản theo di chúc (người để lại di chúc không xác định việc hạn chế phân chia di sản) và phân chia di sản theo pháp luật. Trên thực tế người thừa kế có thể chưa thể tiếp nhận di sản ngày mà cần có thời gian chuẩn bị, vì vậy quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể tiếp nhận di sản thừa kế.

Ba, theo yêu cầu của vợ hoặc chồng còn sống

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.

Như vậy, nếu mà việc phân chia di sản thừa kế của chồng bạn để lại mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bạn và con bạn như trên thì bạn có thể yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản. Thời hạn tối đa tạm ngưng việc chia di sản là 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

Hy vọng bài viết trên đây của phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về trường hợp hạn chế phân chia di sản thừa kế. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp, ly hôn, phân chia di sản thừa kế…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ

 

5/5 - (1 bình chọn)