Khái niệm cơ bản về hợp đồng mẫu
1. Bàn về khái niệm hợp đồng theo mẫu.
Các quốc gia trên thế giới khác nhau nên có cách định nghĩa hợp đồng theo mẫu khác nhau. Xét từ khía cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa ra khái niệm hợp đồng theo mẫu gồm có: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Hồng Kong, Ấn Độ, Nauy, Anh…
Theo Điều 1379 Bộ luật Dân sự Que’bec năm 1991 đã định nghĩa như sau: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng khi mà các quy định chủ yếu được áp đặt hoặc chuẩn bị bởi 1 bên theo ý đồ của họ và những điều khoản đó không thể được tự do thảo luận. Tất cả các hợp đồng không phải hợp đồng mẫu đều phải có thỏa thuận giữa các bên“.
Tại Pháp. Jacques Ghestin – Giáo sư nổi tiếng chuyên ngành luật nghĩa vụ của pháp tại Đại học Paris I Panthe’on – Sorbonne đưa ra một định nghĩa cũng tương tự như vậy: “Hợp đồng theo mẫu có thể được định nghĩa là sự tham gia vào một hợp đồng mẫu sẵn, được soạn thảo đơn phương của một bên, bên kia gia nhập vào và không có khả năng thay đổi nội dung của hợp đồng.“
Pháp luật Hàn Quốc có quy định: “Cụm từ “Hợp đồng theo mẫu” được hiểu là một loại hợp đồng bao gồm các điều khoản, điều kiện – bất kể phạm vi, thể loại hay tên gọi của chúng thế nào – được một bên chuẩn bị trước dưới 1 hình thức nhất định, với mục đích giao kết hợp đồng với nhiều đối tác khác nhau”.
Pháp luật Việt Nam, việc định nghĩa hợp đồng theo mẫu được thể hiện trong hai văn bản pháp luật: Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017 và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (LBVQLNTD) năm 2010. Trong Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định tại Điều 405 về hợp đồng theo mẫu như sau: ” Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.
Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng.
Trình tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng và minh bạch hơn về hợp đồng theo mẫu khi hợp đồng này phải được công khai để bên đề nghị được biết hoặc phải biết, trình tự, thể thức công khai hợp đồng thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong Quy định LBVQLNTD năm 2010, tại khoản 5 Điều 3 quy định: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng“.
> xem thêm: thủ tục giải thể công ty tnhh 1 thành viên
Như vậy, ở mỗi quốc gia có những quan niệm khác nhau về hợp đồng theo mẫu, song chúng đều mang những đặc trưng pháp lý phản ánh cùng một bản chất. Theo đó, hợp đồng theo mẫu là một loại hợp đồng gồm những điều khoản chỉ do một bên soạn sẵn, bên còn lại chỉ có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận toàn bộ nội dung của hợp đồng; hợp đồng theo mẫu được bên soạn thảo sử dụng nhiều lần với các đối tác khác nhau.
2. Những đặc trưng có bản của hợp đồng mẫu
Hợp đồng mẫu là gì?
a. Sự thỏa thuận
Đặc điểm đầu tiên để phân biệt hợp đồng theo mẫu với các loại hợp đồng khác là sự thỏa thuận trong hợp đồng theo mẫu đã bị mất đi quá trình đàm phán, thương lượng.
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên. Trong sự thỏa thuận, ngoài mục đích các bên khi tham gia giao dịch sẽ được pháp luật điều chỉnh thì cần phải quan tâm đến hai yếu tố chính: Đó là tự do ý chí và sự ưng thuận.
-Tự do ý chí là một nguyên tắc cơ bản của giao kết hợp đồng, đó là việc cá nhân có quyền được tự do giao kết hợp đồng theo ý chí của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba.
-Sự ưng thuận sau khi ý chí được tự do thể hiện (tuy nhiên phải trong một giới hạn). Thông thường, một bên giao dịch sẽ đưa ra ý chí của mình trước, bên còn lại được tiếp xúc với ý chí đó, nếu có sự gặp gỡ giữa ý chí của các bên thì kết quả sẽ tạo ra 1 sự thỏa thuận
Như vậy, ý chí chính là nguyên liệu, sự ưng thuận là 1 quá trình để “chế biến” nguyên liệu đó để có thể tạo ra một thỏa thuận, một hợp đồng. Khi các bên có sự bình đẳng trong giao dịch, càng hiểu rõ nhau cũng như về sản phẩm, dịch vụ của nhau thì hợp đồng sẽ càng hoàn thiện, giảm thiểu được những rủi ro hay tranh chấp có thể phát sinh.
Như đã phân tích, yếu tố tự do ý chí và sự ưng thuận là một trong những vấn đề cốt lõi cơ bản khi soạn thảo hợp đồng để giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng mẫu là một loại hợp đồng đặc biệt, quá trình ưng thuận ở đây đã không đươc diễn ra hoàn chỉnh mà gẫn như chỉ mang tính chất lý thuyết hơn là thực tế bởi người tiêu dùng thường phải chấp nhận tất cả các điều khoản do nhà kinh doanh đặt ra mà không có quyền thảo luận, thương lượng. Ý chí của hai bên vẫn được thể hiện qua hợp đồng, song quá trình đàn phán các ý chí đó để hai bên đồng ý đi đến ràng buộc quyền và nghĩa vụ với nhau đã không tồn tại và như vậy, sự thỏa thuận trong giao dịch chỉ mang tính chất lý thuyết.
b. Chủ thể và mục đích giao kết
Xét dưới khía cạnh LBVQLNTD năm 2010, đặc trưng thứ hai của hợp đồng theo mẫu chính là yếu tố chủ thể và mục đích giao kết hợp đồng, theo đó, hợp đồng theo mẫu là một loại hợp đồng được sử dụng trong các giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng.
-Một bên chủ thể trong giao dịch: cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh, những người tham gia giao dịch với mục đích sinh lợi và coi các giao dịch thương mại là nghề nghiệp của mình;
-Bên còn lại là người tiêu dùng. Ở đây, theo định nghĩa của LBVQLNTD năm 2010 được hiểu là không chỉ cá nhân mà bao gồm các tổ chức, pháp nhân, hộ gia đình, miễn sao họ phải thỏa mãn điều kiện: họ tham gia giao dịch không phải với mục đích sinh lợi mà với mục đích tiêu dùng sinh hoạt.
Trong quan hệ hợp đồng, vị thế giữa nhà kinh doanh và người tiêu dùng có một sự chênh lệch khá rõ ràng. Trong khi nhà kinh doanh – trong quá trình soạn thảo hợp đồng theo mẫu, họ thường thuê các luật sư tư vấn pháp luật, trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, các nhà kinh doanh còn sử dụng một hệ thống chuyên viên tại phòng pháp chế để thảo ra từng điều khoản, còn người tiêu dùng với mục tiêu đơn giản là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường có tiếng nói rất nhỏ bé, đơn lẻ khi đứng trước các nhà kinh doanh. Sự bất cân xứng về vị thế trong giao kết cũng chính là một đặc trưng theo hợp đồng theo mẫu.
Như vậy có thể thấy, mục đích của loại giao dịch này là: Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh (bên soạn thỏa hợp đồng theo mẫu) thì mục đích của họ là sinh lợi; Còn đối với người tiêu dùng (bên gia nhập hợp đồng theo mẫu) thì mục đích của họ nhằm được đáp ứng, thỏa mãn các nhu cầu trong sinh hoạt, tiêu dùng.
C. Tính chất theo mẫu.
Tính chất “theo mẫu” được thể hiện thông qua các điều khoản của hợp đồng đã được tiêu chuẩn hóa do một bên của hợp đồng chuẩn bị từ trước nhằm mục đích sử dụng nhiều lần và để giao kết với nhiều người.
Hợp đồng theo mẫu có ba đặc trưng cơ bản sau:
-Không có khả năng đàm phán hợp đồng, người tiêu dùng chỉ được lựa chọn chấp nhận hoặc không chấn nhận toàn bộ hợp đồng;
-Hợp đồng bị áp đặt và quyết định bởi một bên do vị thế bất cân xứng giữa hai chủ thể;
-Các điều khoản hợp đồng đã được tiêu chuẩn hóa do 1 bên của hợp đồng chuẩn bị từ trước nhằm mục đích sử dụng nhiều lần để giao kết với nhiều người.
Trên đây là những lí luận pháp lý cơ bản nhất về hợp đồng theo mẫu của Phamlaw, bài viết có sử dụng sách chuyên khảo của TS Doãn Hồng Nhung và các đồng nghiệp do nhà xuất bản tư pháp phát hành. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, Quý bạn đọc, Quý khách hàng muốn được tìm hiểu hoặc tư vấn thêm có thể liên hệ đến tổng đài tư vấn pháp lý chuyên sâu của Phamlaw để được hỗ trợ. Ngoài ra, chúng tôi soạn thảo cung cấp mẫu hợp đồng như: Mẫu hợp đồng lao động, mẫu hợp đồng kinh doanh, thương mại, mẫu hợp đồng hợp tác miễn phí. Quý khách hàng, Quý bạn đọc quan tâm có thể gửi theo hòm thư điện tử: Phamlaw.8866@gmail.com với nội dung yêu cầu cung cấp mẫu hợp đồng miễn phí.
——————-
Phòng tư vấn hợp đồng- Công ty luật Phamlaw
> xem thêm: giải thể công ty tnhh