Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐ
Chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn là việc các bên chấm dứt thực hiện thỏa thuận đã giao kết, dẫn đến việc các bên trong hợp đồng chấm dứt hoàn toàn việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên. Vậy các trường hợp nào người lao động được quyền chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Bộ luật lao động 2019
Nghị định 145/2020/NĐ-CP
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là gì?
Hợp đồng lao động là thỏa thuận phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có thể xảy ra từ một trong hai phía.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có thể là đúng pháp luật hoặc trái pháp luật dựa trên các quy định của pháp luật mà cụ thể là Bộ luật lao động 2019.
2. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐ
Bộ luật lao động 2019 đã coi việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động “như một quyền đương nhiên và gần như vô điều kiện của người lao động”, theo đó, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần lý do chấm dứt mà chỉ cần báo trước cho người sử dụng lao động theo thời hạn tùy thuộc từng loại hợp đồng.
Cụ thể, theo khoản 1 điều 35 Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động:
– Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn;
– Ít nhất 30 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
– Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
– Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù (như Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay; Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài) thì thời hạn báo trước ít nhất 120 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên; Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của HĐLĐ đối với HĐLĐ xác định thời hạn dưới 12 tháng.
Có thể thấy, hiện nay BLLĐ năm 2019 cho phép người lao động dễ dàng đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không có sự ràng buộc bởi bất cứ lý do gì với mọi loại HĐLĐ. So sánh với BLLĐ năm 2012 cho thấy quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người lao động khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của mình. Về phía người sử dụng lao động, họ sẽ rơi vào thế bị động, nhiều khi sẽ gây khó khăn trong việc bố trí lao động, sắp xếp công việc.
Vì vậy, quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động đã tạo ra sự không bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Ngoài quy định cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần có lý do mà chỉ cần thỏa mãn thời hạn báo trước thì Khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019 cũng cho phép người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước trong các trường hợp sau:
– Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
– Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật lao động 2019;
– Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
– Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
– Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật lao động 2019;
– Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật lao động 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
– Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật lao động 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động một thời hạn. Tuy nhiên, với một số trường hợp khi quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm phạm như bị đánh đập, ngược đãi, quấy rối tình dục, hay không được trả đủ lương, trả lương không đúng thời hạn,… BLLĐ cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không phải báo trước cho người sử dụng lao động. Quy định này là khá phù hợp với thực tế, tạo điều kiện rất thuận lợi cho người lao động.
3. Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Theo quy định tại điều 39 Bộ luật lao động 2019: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 35, 36 và 37 của Bộ luật lao động 2019
4. Nghĩa vụ của NLĐ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Theo quy định tại Điều 40 Bộ luật lao động 2019, Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật bao gồm:
– Không được trợ cấp thôi việc.
– Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
– Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật lao động 2019.
5. Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù
Căn cứ tại điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù được quy định cụ thể như sau:
Ngành, nghề, công việc đặc thù và thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 35 và điểm d khoản 2 Điều 36 của Bộ luật Lao động 2019
Thứ nhất, Ngành, nghề, công việc đặc thù gồm:
– Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay;
– Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
– Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài;
Thứ hai, Khi người lao động làm ngành, nghề, công việc quy định tại khoản 1 điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người lao động này thì thời hạn báo trước như sau:
– Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên;
– Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.
Trên đây là tư vấn của Phamlaw về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐ, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn thực hiện dịch vụ pháp lý, vui lòng liên hệ Luật Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được hỗ trợ nhanh nhất.