Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng

Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng được thu qua mỗi khâu của quá trình sản xuất kinh doanh. Việc xác định số thuế giá trị gia tăng nộp qua mỗi khâu phải dựa trên điều kiện thực tế của chủ thể kinh doanh, đồng thời đáp ứng yêu cầu thu đúng, thu đủ thuế vào ngân sách nhà nước. Vậy phương pháp tính thuế giá trị gia tăng như thế nào? Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Thuế giá trị gia tăng là gì? Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng là gì?

Theo quy định của Luật thuế giá trị gia 2008 sửa đổi, bổ sung 2013 thì khái niệm về thuế giá trị gia tăng được hiểu như sau: Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Như vậy, thuế giá trị gia tăng là loại thuế được tính toán dựa trên phần giá trị tăng thêm của dịch vụ, hàng hóa phát sinh trong từng giai đoạn của toàn bộ quá trình bắt đầu từ sản xuất sang lưu thông và đến tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ đó chứ không áp dụng trên toàn bộ giá trị của dịch vụ hay sản phẩm.

Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng là các cách thức, đường lối có tính hệ thống được đưa ra nhằm tính toán đưa ra con số cụ thể về giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, thông đến tiêu dùng.

2. Căn cứ tính thuế giá trị gia tăng

Theo Điều 7 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung 2013, Căn cứ tính thuế giá trị gia tăng dựa vào giá tính thuế và thuế suất.

2.1 Giá tính thuế giá trị gia tăng

Giá tính thuế được xác định tùy theo loại hàng hóa, dịch vụ và được xác định như sau:

– Ðối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra hoặc cung ứng cho các đối tượng khác là giá chưa có thuế giá trị gia tăng.

– Ðối với dịch vụ do phía nước ngoài cung ứng cho các đối tượng tiêu dùng tại Việt Nam, giá chưa có thuế giá trị gia tăng được xác định theo hợp đồng; trường hợp hợp đồng không xác định cụ thể số thuế giá trị gia tăng thì giá tính thuế giá trị gia tăng là giá dịch vụ phải thanh toán trả cho phía nước ngoài.

– Ðối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, sử dụng nội bộ, biếu, tặng là giá tính thuế giá trị gia tăng cuả hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.

– Ðối với hoạt động cho thuê tài sản như cho thuê nhà, xưởng, kho tàng, bến bãi, phương tiện vận chuyển, máy móc, thiết bị…không phân biệt loại tài sản và hình thức cho thuê là giá cho thuê chưa có thuế. Trường hợp cho thuê theo hình thức trả tiền thuê từng kỳ hoặc trả trước tiền thuê cho một thời hạn thuê thì thuế giá trị gia tăng tính trên số tiền thuê trả từng kỳ hoặc trả trước bao gồm cả chi phí dưới hình thức khác như cho thuê nhà có thu tiền để hoàn thiện, sửa chữa, nâng cấp nhà cho thuê theo yêu cầu cuả bên thuê.

Giá cho thuê tài sản do các bên thỏa thuận được xác định theo hợp đồng. Trường hợp pháp luật có quy định về khung giá thuê thì giá thuê được xác định trong phạm vi khung giá quy định.

– Ðối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp tính theo giá bán chưa có thuế của hàng hóa đó bán trả một lần (không bao gồm khoản lãi trả góp), không tính theo số tiền trả góp từng kỳ.

– Ðối với hoạt động gia công hàng hóa là giá gia công chưa có thuế (bao gồm tiền công, nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác để gia công).

 Ðối với hoạt động xây dựng, lắp đặt: giá tính thuế được quy định như sau:

– Ðối với hoạt động xây dựng, lắp đặt trang thiết bị cho các công trình xây dựng không phân biệt có bao thầu hay không có bao thầu vật tư, nguyên liệu thì giá tính thuế giá trị gia tăng là giá xây dựng, lắp đặt chưa có thuế của công trình, hạng mục công trình hay phần công việc thực hiện.

– Trường hợp xây dựng, lắp đặt công trình thực hiện thanh toán theo đơn giá và tiến độ hạng mục công trình, phần công việc hoàn thành bàn giao thì thuế giá trị gia tăng tính trên phần giá trị hoàn thành bàn giao.

– Ðối với hoạt động xây dựng một công trình, hạng mục công trình có nhiều đơn vị tham gia xây dựng, theo hình thức ký hợp đồng trực tiếp với chủ công trình hoặc nhận thầu lại thông qua nhà thầu chính thì từng nhà thầu phải tính, nộp thuế giá trị gia tăng đối với phần giá trị công trình nhận thầu.

– Ðối với hàng hoá, dịch vụ có tính đặc thù được dùng loại chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng, thì giá chưa có thuế làm căn cứ tính thuế được xác định bằng giá có thuế chia cho (1+(%) thuế suất của hàng hóa, dịch vụ).

– Ðối với các hoạt động đại lý, môi giới mua bán hàng hóa và dịch vụ hưởng hoa hồng thì giá tính thuế là tiền công hoặc tiền hoa hồng được hưởng chưa trừ một khoản phí tổn nào mà cơ sở thu được từ việc thực hiện các hoạt động này. Hàng hóa do đại lý bán ra vẫn phải tính thuế giá trị gia tăng trên giá bán ra.

– Ðối với hoạt động vận tải, bốc xếp thì giá tính thuế giá trị gia tăng là cước vận tải, bốc xếp chưa có thuế giá trị gia tăng.

– Ðối với hàng hóa, dịch vụ có tính đặc thù dùng các chứng từ như tem bưu chính, giá cước vận tải, vé xổ số kiến thiết…ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng. Giá chưa có thuế được xác định như sau:

Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Các khoản phụ thu cơ sở kinh doanh thu theo chế độ của Nhà nước không tính vào doanh thu của cơ sở kinh doanh thì thuế giá trị gia tăng không tính đối với các khoản phụ thu này.

2.2 Thuế suất thuế giá trị gia tăng:

Luật thuế giá trị gia tăng của Việt Nam hiện hành quy định 4 mức thuế suất là: 0 % ,5 % , 10 % và 20 % áp dụng cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Trong đó mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu. Mức thuế suất 20 % áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ như vàng, bác, đá qúy, dịch vụ môi giới…

Tùy theo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn cụ thể, thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các loại hàng hóa, dịch vụ là khác nhau.

>>> Dịch vụ kế toán thuế

>> Dịch vụ quyết toán thuế

Theo quy định của pháp luật hiện hành, để tính thuế giá trị gia tăng có thể sử dụng một trong hai phương pháp: Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng hoặc Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng

3. Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế bằng (=) số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ (-) số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ. Trong đó: 

+ Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng. Cụ thể : 

Thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng bằng (=) giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) với thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ đó.

Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng thì thuế giá trị gia tăng đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ giá tính thuế giá trị gia tăng xác định theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 7 của Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung 2016 :k) Đối với hàng hóa, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng thì giá tính thuế được xác định theo công thức sau:

Giá chưa có thuế giá trị gia tăng

=

Giá thanh toán

1 + thuế suất của hàng hóa, dịch vụ (%)

 + Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ bằng (=) tổng số thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ, chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu và đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 12 của Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung 2016 về khấu trừ thuế gia tăng đầu vào.

Thuế giá trị gia tăng đầu vào được tính khấu trừ quy định như sau:

– Thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thì được khấu trừ.

– Thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ được khấu trừ phát sinh trong tháng nào được kê khai khấu trừ khi xác định thuế phải nộp của tháng đó không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.

Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng chung cho các tổ chức kinh doanh trừ các đối tượng áp dụng tinh thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.

Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng tính thuế theo phương pháp này phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm: Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh; Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.

4. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng

a) Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng (=) giá trị gia tăng nhân (x) với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.

Trong đó: Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.

– Giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra là giá thực tế mua, bán ghi trên hóa đơn mua, bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng, bên mua phải trả.

– Giá thanh toán của hàng hóa , dịch vụ mua vào tương ứng của hàng hóa, dịch vụ bán ra được xác định bằng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào mà cơ sở kinh doanh đã dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng bán ra.

Trường hợp cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ việc mua, bán hàng hóa, dịch vụ có hóa đơn, chứng từ làm căn cứ xác định giá trị gia tăng theo quy định trên đây thì giá trị gia tăng được xác định như sau:

– Ðối với cơ sở kinh doanh đã thực hiện bán hàng hóa, dịch vụ có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo chế độ, xác định được đúng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ nhưng không có đủ hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ thì giá trị gia tăng được xác định bằng doanh thu nhân với tỷ lệ phần trăm(%) giá trị gia tăng tính trên doanh thu.

– Ðối với cá nhân kinh doanh chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ hóa đơn mua, bán hàng hóa, dịch vụ thì cơ quan thuế căn cứ vào tình hình kinh doanh của từng cá nhân để ấn định mức doanh thu tính thuế; giá trị gia tăng được xác định bằng doanh thu nhân với tỷ lê (%) giá trị gia tăng trên doanh thu.

– Tỷ lệ (%) giá trị gia tăng tính trên doanh thu làm căn cứ xác định giá trị gia tăng do cơ quan thuế ấn định phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh.

b. Việc xác định giá trị gia tăng đối với một số ngành nghề kinh doanh được quy định như sau:

– Ðối với hoạt động sản xuất, kinh doanh bán hàng là số chênh lệch giữa doanh số bán với doanh số vật tư, hàng hoá, dịch vụ mua vào dùng cho sản xuất, kinh doanh. Trường hợp cơ sở kinh doanh không hạch toán được doanh số vật tư, hàng hóa, dịch vụ mua vào tương ứng với doanh số hàng bán ra thì xác định như sau:

– Ðối với xây dựng, xây lắp là số chênh lệch giữa tiến thu về xây dựng, lắp đặt công trình, hạng mục công trình trừ (-) chi phí vật tư, nguyên liệu, chi phí động lực, vận tải, dịch vụ và chi phi khác mua ngoài để phục vụ cho hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình, hạng mục công trình.

– Ðối với hoạt động vận tải là số chênh lệch giữa tiền thu cước vận tải, bốc xếp trừ (-) chi phí xăng dầu, phụ tùng thay thế và chi phí khác mua ngoài dùng cho hoạt động vận tải.

– Ðối với hoạt động kinh doanh ăn uống là số chênh lệch giữa tiền thu về bán hàng ăn uống, tiền phục vụ và các khoản thu khác trừ (-) doanh số hàng hóa, dịch vụ mua ngoài dùng cho kinh doanh ăn uống.

– Ðối với các hoạt động kinh doanh khác là số chênh lệch giữa tiền thu về hoạt động kinh doanh trừ (-) doanh số hàng hóa, dịch vụ mua ngoài để thực hiện hoạt động kinh doanh đó.

Doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra quy định trên đây bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm ngoài giá bán mà cơ sở kinh doanh được hưởng, không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu được tiền.

Doanh số hàng hóa, dịch vụ mua vào quy định trên đây bao gồm các khoản thuế và chi phí đã trả tính trong giá thanh toán hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa nhập khẩu.

c. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng chỉ áp dụng đối với các đối tượng sau:

– Cá nhân sản xuất, kinh doanh và tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh ờ Việt Nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện về kế toán, hóa đơn, chứng từ để làm căn cứ tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.

– Cơ sở kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

5/5 - (1 bình chọn)