Điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài

Điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài

Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ bạn có email Maianh…@gmail.com với nội dung câu hỏi như sau:

Tôi đang tìm hiểu về thị trường đầu tư, tôi muốn hỏi rõ về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài được quy định như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi. Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đầu tư 2020

Luật doanh nghiệp 2020

Nghị định 31/2021/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Nhà đầu tư nước ngoài là gì?

Nhà đầu tư được hiểu là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Căn cứ tại khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định như sau: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.”

2. Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

Đieu Kien Tiep Can Thi Truong Doi Voi Nha Dau Tu Nuoc Ngoai
Điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài

2.1. Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

  • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
  • Hình thức đầu tư;
  • Phạm vi hoạt động đầu tư;
  • Đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư
  • Điều kiện khác theo quy định theo Điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.

2.2. Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài áp dụng trong các trường hợp

  • Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;
  • Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế;
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh;
  • Nhận chuyển nhượng dự án đầu tư hoặc các trường hợp tiếp nhận dự án đầu tư khác;
  • Sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

2.3. Điều kiện chung về ngành nghề đối với nhà đầu tư nước ngoài

  • Đối với những ngành, phân ngành mà Việt Nam đã cam kết mà nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng các điều kiện về đầu tư của ngành nghề đó thì Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư;
  • Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về đầu tư nhưng pháp luật Việt Nam đã có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài thì áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài

Căn cứ tại khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 quy định: “Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.”

Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài căn cứ vào Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tại Nghị định 31, Chính phủ đã chính thức ban hành 02 danh mục, cụ thể:

  • Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường: Nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư trong các ngành, nghề này.
  • Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện: Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đã được công bố.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
  • Điều kiện về hình thức đầu tư;
  • Điều kiện về phạm vi hoạt động đầu tư;
  • Điều kiện về năng lực của nhà đầu tư cũng như đối tác tham gia hoạt động đầu tư;
  • Ngoài ra, còn cần đáp ứng các điều kiện khác theo quy định tại Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định tại Danh mục, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện (nếu có) sau theo khoản 3 Điều 15 Nghị định 31/2021/NĐ-CP:

  • Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;
  • Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;
  • Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;
  • Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;
  • Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Như vậy, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng theo các hình thức nêu tại khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư 2020. Ta có thể thấy, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục này đã được Chính phủ quy định chi tiết. Về cơ bản, các điều kiện được đặt ra với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bao gồm: Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; Hình thức đầu tư; Phạm vi hoạt động đầu tư; Năng lực của nhà đầu từ; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; Các điều kiện khác căn cứ vào đặc thù của từng ngành, nghề cụ thể.

Nếu ngành, nghề kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thuộc trường hợp tiếp cận có điều kiện thì các nhà đầu tư sẽ cần tiếp tục tra cứu những điều kiện tiếp cận thị trường tại các văn bản pháp luật có liên quan. Như vậy, nếu ngành, nghề kinh doanh thuộc trường hợp chưa tiếp cận thì các nhà đầu tư không triển khai đầu tư. Còn nếu ngành, nghề kinh doanh không thuộc Danh mục hạn chế tiếp cận thị trường, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được áp dụng theo các điều kiện giống với nhà đầu tư trong nước theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

 

5/5 - (1 bình chọn)