Bạo lực học đường và các chế tài xử lý

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG VÀ CÁC CHẾ TÀI XỬ LÝ

Bạo lực học đường từ lâu vẫn là vấn đề đáng được quan tâm, chú ý trong môi trường giáo dục, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của học sinh mà còn khiến cho tâm lý, tính cách của các em bị thay đổi. Thực tế cho thấy, có những học sinh là nạn nhân của Bạo lực học đường đã bị rối loạn tâm lý và phải điều trị lâu dài, hoặc có nhiều em bị mắc bệnh trầm cảm. Vậy Bạo lực học đường là gì? và hệ lụy của nó gây ra như thế nào? Cũng như những chế tài để xử lý hành vi này ra sao? Thì trong bài viết dưới đây, mời quý bạn đọc cùng tham khảo

Bạo lực học đường là gì?

Là hành vi gây ảnh hưởng một cách tiêu cực đến một học sinh nào đó, được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động (bằng lời nói hoặc dùng vũ lực). Hành vi này có thể được thực hiện bởi một hoặc một nhóm học sinh, với mục đích nhất định, nhằm gây tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần cho người khác

Các hành vi thường thấy: hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm phạm thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi khác nhằm gây tổn thương về vật chất và tinh thần.

Đây là hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, cần lên án và phê phán để tình trạng này bị đẩy lùi.

Bao Luc Hoc Duong Va Cac Che Tai Xu Ly
Bạo lực học đường và các chế tài xử lý

Thực trạng bạo lực học đường hiện nay

Cùng với sự phát triển của xã hội, của các trang thông tin mạng xã hội, thì bạo lực học đường lại càng được biết đến với nhiều hình thức hơn: gọi điện, nhắn tin, đe dọa, bêu rếu, uy hiếp người khác trên mạng, phát tán các hình ảnh của người khác lên mạng,…

Thực trạng này thường xảy ra chủ yếu ở bậc THCS và THPT, vì đây là độ tuổi còn có những hành động thiếu suy nghĩ, thích tỏ ra bản thân mình là trung tâm,… Thậm chí, bạo lực học đường xảy ra đối với học sinh ở độ tuổi này không chỉ do vấn đề ghen ghét, đố kỵ cá nhân, có xích mích, cãi nhau mà còn có nguyên nhân xuất phát từ vấn đề tình cảm, yêu đương. Còn với các bậc học khác, vấn đề bạo lực học đường vẫn xảy ra, nhưng tỷ lệ ít hơn nhiều. Và có một thực trạng đáng nói là bạo lực học đường đối với nữ giới cũng ngày càng tăng.

Như vậy có thể thấy, dù ở lứa tuổi đến trường nào đi chăng nữa, thì vẫn nạn bạo lực học đường vẫn là vấn nạn đang diễn ra một cách âm thầm nhưng lại cực kỳ đáng lo ngại, vì hậu quả của nó ảnh hưởng đến một phần thế hệ tương lai của đất nước

Đáng nói hơn, từ phía một số nhà trường lại còn đang tiếp tay cho những học sinh chuyên đi bắt nạt người khác, khi làm ngơ, hoặc thậm chí nghiêm cấm học sinh và các thầy cô nhắc đến vấn đề này. Chính hành động sợ mất uy tín của trường này đã khiến cho những học sinh bị bắt nạt không thể cầu cứu sự giúp đỡ từ chính nơi các em bị bạo lực, làm cho các em mất niềm tin vào cuộc sống, và thực tế cho thấy, có nhiều học sinh đã tự kết liễu cuộc sống của chính mình để tìm sự giải thoát.

Vấn nạn này cũng đang là hồi chuông cảnh tỉnh tới các bậc cha mẹ học sinh, hãy quan tâm con em mình nhiều hơn, để thấu hiểu, đồng cảm và giáo dục con đúng cách, để định hướng tính cách và lối sống cho con, không để con trở thành nạn nhân của bạo lực hay trở thành chính người đi bao lực người khác. Các nhà trường cũng cần giải quyết triệt để bao lực học đường, xử lý nghiêm vi phạm, giáo dục bằng pháp luật, mô tả bằng tình huống và rút ra bài học, giải pháp cho các em để tạo ra môi trường sư phạm lành mạnh, tích cực.

Chế tài xử lý bạo lực học đường

Hiện nay, chế tài xử phạt đối với những học sinh có hành vi này tại các nhà trường đang dừng ở việc xử lý kỷ luật, thường sẽ là viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh, hạ hạnh kiểm, cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học có thời hạn hoặc buộc thôi học…

Bên cạnh đó, hành vi này cũng xâm phạm tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, nên có thể phải bồi thường thiệt hại dân sự do xâm phạm đến sức khỏe: các khoản chi phí về thuốc thang, chi phí khám chữa bệnh, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe của người bị tác động bạo lực, bồi thường các thiệt hại về tài sản… hoặc bù đắp thiệt hại về tinh thần theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Các hành vi bạo lực học đường cũng có thể bị xử phạt hành chính theo quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý (Điều 5, Luật Xử lý vi phạm hành chính) với hình thức Cảnh cáo “Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện”

Tuy nhiên, cũng tùy vào mức độ của hành vi mà bạo lực học đường sẽ dẫn đến các tội phạm hình sự do Bộ luật Hình sự quy định. Ví dụ, có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích  theo Điều 104, Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội làm nhục người khác: ‘Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự  của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”; hoặc tội làm nhục người khác quy định tại Điều 121 Bộ Luật Hình sự 2015…

Mặt khác theo Điều 1 Luật Trẻ em 2016: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Nếu trường hợp các em chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng đã đủ 12 tuổi thì tùy trường hợp có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Điều 89, hoặc đưa vào trường giáo dưỡng theo Điều 91 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Nhìn chung, việc xử lý vấn đề bạo lực học đường cần được quan tâm nhiều hơn nữa, nhất là từ những việc nhỏ như: giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của các em học sinh bằng các môn học về đạo đức, kỹ năng sống. Tập trung khoanh vùng những đối tượng có biểu hiện tiêu cực, có nguy cơ trở thành hành vi bao lực học đường để kịp thời ngăn chặn hậu quả không đáng có xảy ra.

Xem thêm: 

5/5 - (1 bình chọn)