Quy định về công ty niêm yết

Quy định về công ty niêm yết

Thông thường, công ty niêm yết được công chúng tín nhiệm hơn công ty  không được niêm yết, bởi vì khi trở thành một công ty được niêm yết thì  họ có thể dễ dàng trong việc huy động vốn và với chi phí huy động thấp hơn. Đây là một trong những hình thức đầu tư có tỷ lệ thu lợi nhuận cao hiện nay. Vậy công ty niêm yết (CTNY) là gì? Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

 Luật Chứng khoán 2019 quy định chứng khoán là tài sản bao gồm các loại:

  • Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
  • Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
  • Chứng khoán phái sinh;
  • Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Căn cứ Khoản 24 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 quy định: “Niêm yết chứng khoán là việc đưa chứng khoán có đủ điều kiện niêm yết vào giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết.”

Như vậy, CTNY là Công ty cổ phần có chứng khoán được niêm yết trên thị trường giao dịch tập trung sau khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn niêm yết. Từ cách tiếp cận này cho thấy, CTNY phải thỏa mãn các đặc điểm sau:

  • Một là, CTNY là loại hình công ty đối vốn được tổ chức dưới hình thức Công ty cổ phần;
  • Hai là, CTNY phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn niêm yết tại một thị trường giao dịch tập trung cụ thể;
  • Ba là, CTNY phải có chứng khoán niêm yết trên thị trường giao dịch tập trung đó.

Như vậy, CTNY có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định của Luật Chứng khoán 2019 và tuân thủ các quy định riêng đối với công ty đại chúng. Có thể khẳng định, CTNY là sản phẩm đặc thù của một thị trường giao dịch chứng khoán tập trung, đòi hỏi các mức độ điều chỉnh pháp luật khác nhau, thậm chí ngay cả đối với các thị trường giao dịch chứng khoán tập trung khác nhau của cùng một quốc gia. Dù vậy, từ thực tiễn tổ chức quản trị và điều chỉnh pháp luật của các quốc gia trên thế giới đã cho thấy, CTNY cần phải có sự điều chỉnh pháp luật về quản trị chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn so với các công ty thông thường vì những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, CTNY thường là những công ty có quy mô lớn và do đó cần phải đảm bảo cơ cấu quản trị hợp lý; bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐQT, BKS

Trong CTNY, cấu trúc quản trị phải tạo ra lợi nhuận kinh tế dài hạn để tăng giá trị của CĐ (cổ đông) nhằm thu hút vốn trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu về vốn. Trong dài hạn thông qua việc duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững thì lợi nhuận tạo ra sẽ làm tăng lợi ích của CĐ, do đó có thể thu hút thêm vốn cho tăng trưởng bền vững và duy trì lâu dài. Hội đồng quản trị CTNY lúc này đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất chiến lược và tổ chức quản lý để đạt được mục tiêu kể trên.

Không thể khẳng định rằng một mô hình quản trị là thích hợp với CTNY trong mọi giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển. Đối với các công ty năng động hoạt động trong một thế giới biến đổi nhanh chóng thì sự linh hoạt và thích nghi của quản trị công ty là điều kiện tiên quyết cho hoạt động ngày càng tốt hơn của công ty; tuy nhiên điều này còn phụ thuộc nhiều vào vai trò của Nhà nước trong việc cung cấp một cơ sở pháp lý hiệu lực và hiệu quả cũng như việc nới rộng các quy định không bắt buộc để cho các công ty có thể có những lựa chọn mềm dẻo hơn trong quản trị công ty của mình.

Trong các CTNY, Hội đồng quản trị (HĐQT) được các CĐ bầu ra để giám sát và quản lý công ty. Trong một chừng mực thuộc thẩm quyền, HĐQT có trách nhiệm bảo vệ và chống lại sự lừa dối, lãng phí tài sản hay hoạt động kém hiệu quả của Ban Giám đốc hoặc các cán bộ quản lý. Sự duy trì các thành viên HĐQT năng động và độc lập sẽ tạo ra tính chuyên nghiệp với những cá nhân thật sự tận tụy, am hiểu và năng động cho dù cấu trúc của HĐQT có sự khác nhau ở các nước (HĐQT một cấp hoặc HĐQT giám sát – hai cấp). Ví dụ ở Nhật Bản, trong cơ cấu HĐQT còn có Ban kiểm toán với các thành viên độc lập không điều hành theo sự giới thiệu của Keidanren (Liên đoàn các Tổ chức Kinh tế Nhật Bản). Nhìn chung, việc phát sinh các giao dịch ngầm, giao dịch nội gián, thao túng công ty thường xuất hiện trong bộ máy đại diện do đó kéo theo sự xuất hiện các thành viên HĐQT độc lập, không điều hành.

Thứ hai, bảo vệ quyền lợi của CĐ và đối xử công bằng giữa họ

Sự tách bạch rõ ràng sở hữu công ty khỏi điều hành và quản lý được coi là dấu hiệu tích cực của CTNY và trên thực tế đã làm nảy sinh những rủi ro được nhận thức từ lâu về sự khác nhau về lợi ích giữa các CĐ với mục tiêu quản lý. Kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới đã cho ra đời nhiều thông lệ về hợp đồng tư lợi và các nguyên tắc pháp lý được thiết kế để bảo vệ CĐ góp phần củng cố lòng tin của CĐ và theo đó tăng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực kinh doanh. Nhìn chung, khi công ty coi những tiến bộ trong việc bảo vệ quyền lợi của CĐ là lợi ích của chính mình thì người ta hy vọng sự cạnh tranh về vốn sẽ có những ảnh hưởng tích cực.

Các biện pháp bảo vệ CĐ cụ thể trong CTNY chú trọng vào: (i) Sự công bằng, thông qua các quy định cấm các hành vi gian lận, giao dịch nội gián ở cấp quản lý hoặc với CĐ giữ vai trò kiểm soát; (ii) Sự giải trình được, thông qua việc xác định rõ vai trò, nhiệm vụ quản trị và chủ yếu dựa vào việc giám sát cấp quản lý của HĐQT; (iii) Sự minh bạch, thông qua các quy định bắt buộc công khai thông tin đối với các CĐ và hạn chế việc khởi kiện – tránh coi việc khởi kiện là công cụ bảo vệ quyền lợi của CĐ, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của CTNY.

Thứ ba, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong hoạt động của Công ty.

Cùng với sự ra đời của Luật chứng khoán 2019 và các văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan, CTNY đã trở thành đối tượng áp dụng của các nguyên tắc, thông lệ QTCT hiện đại. Điều đáng lưu ý là, quan niệm về CTNY trong các các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam chỉ dành riêng cho Công ty cổ phần. Điều này được thể hiện rất rõ trong các quy định về Công ty đại chúng và CTNY, cụ thể như sau:

Theo Luật Chứng khoán 2019 thì Công ty đại chúng là Công ty cổ phần thuộc một trong hai loại hình sau đây:

  1. a) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;
  2. b) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Chứng khoán 2019.

Như vậy, khái niệm niêm yết ở đây chỉ được hiểu là niêm yết cổ phiếu và do đó chỉ có Công ty cổ phần mới thỏa mãn các tiêu chuẩn của một CTNY. Khó có thể tìm thấy lý do việc loại Công ty TNHH có trái phiếu được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán khỏi khái niệm CTNY vì rằng ngay cả khi được tổ chức dưới hình thức Công ty TNHH thì chúng cũng cần thiết phải được điều chỉnh theo các nguyên tắc quản trị nghiêm ngặt hơn so với Công ty TNHH thông thường vì lợi ích của công chúng.

Trên đây là bài viết Quy định về công ty niêm yết? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Quy định về công ty niêm yết – Luật Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)