Các trường hợp thu hồi đất không được bồi thường
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết, Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất và có những trường hợp thu hồi đất sẽ không không được bồi thường. Để hiểu rõ hơn về các trường hợp thu hồi đất không được bồi thường, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật đất đai 2013
Nghị định 43/2014/NĐ-CP
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Thu hồi đất là gì?
Theo Khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, Thu hồi đất được hiểu là trường hợp Nhà nước ra quyết định thu lại quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đang thuộc quyền sử dụng đất của người khác, nếu người này có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng đất.
2. Các trường hợp nhà nước thu hồi đất
Người sử dụng đất được thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất, được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình. Nhà nước quyết định thu hồi đất của người sử dụng đất trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật đất đai 2013, cụ thể như sau:
– Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;
– Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
– Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
– Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Thứ nhất, Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Việc thu hồi đất vì mục đích, quốc phòng, an ninh thường được xác định là thu hồi đất để thực hiện việc xây dựng, tạo dựng các công trình an ninh quốc phòng như nơi đóng quân, trụ sở làm việc của cơ quan công an, quân đội, hoặc xây dựng thành căn cứ quân sự, cảng, ga quân sự, hay kho tang của lực lượng vũ trang; hoặc xây dựng để dựng thành trường bắn, thao trường, khu thử nghiệm hoặc phá bỏ vũ khí quân sự, xây dựng nhà công vụ. Các trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật đất đai năm 2013.
Thứ hai, Thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế – xã hội, hoặc vì lợi ích quốc gia công cộng. Việc thu hồi đất để nhằm thực hiện các dự án xây dựng trụ sở cơ quan, công trình công cộng – dân sinh, khu đô thị, khu công nghiệp, hay các công trình giao thông, thủy lợi, điện lực và các dự án phát triển kinh tế – xã hội hoặc dự án công trình công cộng khác do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư, hoặc các dự án khác do Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận. Các trường hợp này cũng được quy định cụ thể tại Điều 62 Luật đất đai năm 2013.
Thứ ba, Thu hồi đất do người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Người đang sử dụng đất có thể bị Nhà nước thu hồi đất nếu trong quá trình sử dụng đất có một trong các hành vi vi phạm quy định của luật đất đai được quy định tại Điều 64 Luật đất đai năm 2013, Điều 15, Điều 66, 100 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Thứ tư, Thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật hoặc do việc sử dụng đất có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người. Việc quyết định thu hồi đất đối với những trường hợp này được thực hiện khi có một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 65 Luật đất đai năm 2013, cụ thể gồm các trường hợp:
– Người đang sử dụng đất tự nguyện trao trả đất lại cho Nhà nước.
– Người sử dụng đất là cá nhân bị chết và không có người thừa kế; trường hợp người sử dụng đất là tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì bị giải thể, phá sản, không có nhu cầu sử dụng đất hoặc chuyển địa điểm kinh doanh.
– Đất đang sử dụng nằm trong khu vực bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sụt lún, sạt lở, bị ảnh hưởng thiên tai là mối đe dọa tính mạng con người.
– Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng đã hết thời hạn sử dụng đất và không được gia hạn.
3. Điều kiện để được bồi thường
Không phải bất cứ trường hợp nào Nhà nước thu hồi đất thì người sử dụng đất cũng được bồi thường mà chỉ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mới được bồi thường. Tuy nhiên, việc bồi thường chỉ đặt ra đối với thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Điều này có nghĩa là người thuộc đối tượng bồi thường phải đáp ứng các điều kiện khác theo luật định thì mới được nhận bồi thường. Pháp luật quy định điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp này tại Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 gồm:
Thứ nhất, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
Thứ hai, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
Thứ ba, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
Thứ tư, tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
Thứ năm, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
Thứ sáu, tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê; cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
4. Các trường hợp thu hồi đất không được bồi thường
Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung mà Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 ghi nhận là đề cao sự công khai, minh bạch trong bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2003 cho thấy việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất dễ nhận được sự đồng thuận của người sử dụng đất và ít phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài nếu pháp luật về lĩnh vực này công khai, minh bạch. Vì vậy, bên cạnh việc quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển KTXH vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất được bồi thường về đất Luật Đất đai năm 2013 còn quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được – bồi thường về đất, cụ thể:
Thứ nhất, là các trường hợp không được bồi thường về đất, quy định tại Điều 82 Luật Đất đai năm 2013 như sau:
Một là, các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Đất đai năm 2013 bao gồm: Đất được Nhà nước sao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Đất đai năm 2013; Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất năng được miễn tiền sử dụng đất; Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn; Đất nhận khoản để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
Hai là, đất được Nhà nước giao để quản lý.
Ba là, đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai năm 2013.
Bốn là, trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai năm 2013.
Thứ hai, quy định về những trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất gồm ba trường hợp sau:
Một là, tài sản gắn liền với đất thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, i khoản 1 Điều 64 và điểm b, d khoản 1 Điều 65 của Luật đất đai 2013. Đó là những tài sản gắn liền với diện tích đất bị vi phạm pháp luật về đất đai, trên đất không được Nhà nước gia hạn giao, cho thuê hoặc trên đất của người sử dụng đất đã chết mà không có người thừa kế.
Hai là, tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ba là, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác không còn sử dụng.
Luật Đất đai 20113 đã quy định khá chi tiết về những trường hợp không được bồi thường khi Nhà nước nhằm đảm bảo sự công bằng trong việc bồi thường và là căn cứ để người sử dụng đất có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Trên đây là nội dung về các trường hợp nhà nước thu hồi đất không được bồi thường, nếu có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.