Ưu, nhược điểm khi thực hiện pháp luật về kỷ luật sa thải
Sa thải là hình thức kỷ luật lao động nghiêm khắc nhất nhưng vô cùng cần thiết để bảo đảm trật tự, kỷ cương của doanh nghiệp. Đây là quyền của người sử dụng lao động nhưng quyền này phải đặt trong một giới hạn nhất định. Nhìn chung trên thực tế, các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về kỷ luật sa thải. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật như: Xử lý kỷ luật sa thải không đúng trình tự; Nội quy kỷ luật sa thải còn trái pháp luật; Xử lý kỷ luật sa thải còn tùy tiện, không dựa trên bất kì một căn cứ nào…Để nhằm hạn chế tối đa các trường hợp sa thải trái pháp luật, Phamlaw sẽ chỉ ra một số các ưu, nhược điểm khi thực hiện pháp luật về kỷ luật sa thải qua bài viết dưới đây.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Kỷ luật sa thải là gì?
Sa thải là hình thức kỷ luật cao nhất mà pháp luật cho phép người sử dụng lao động được quyền áp dụng đối với NLĐ có hành vi vi phạm kỷ luật. Sa thải nhằm loại bỏ ra khỏi tập thể lao động những NLĐ không có ý thức kỷ luật, vi phạm nghiêm trọng đến trật tự doanh nghiệp. Do đó, khi bị sa thải NLĐ sẽ không được tham gia quan hệ lao động đó nữa.
2. Ưu điểm của kỷ luật sa thải
Thứ nhất, Kỷ luật sa thải là phương thức để người sử dụng lao động thiết lập kỷ cương, nề nếp làm việc trong doanh nghiệp, duy trì mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt được hiệu quả, chất lượng cao và tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp phát triển lâu dài của doanh nghiệp
Thứ hai, Kỷ luật sa thải tác động vào tâm lý của người lao động, khiến người lao động nâng cao tinh thần tự giác làm việc, tuân thủ đúng kỷ luật lao động tại nơi làm việc.
Thứ ba, Việc chấp hành tốt kỷ luật đóng vai trò không nhỏ trong việc duy trì hài hòa mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, hạn chế xảy ra tình trạng tranh chấp, kiện tụng, ổn định trật tự xã hội.
3. Nhược điểm của kỷ luật sa thải
Thứ nhất, việc sa thải trái pháp luật có thể xảy ra các vấn đề kiện tụng: NLĐ kiện NSDLĐ ra tòa vì quyết định sa thải là không đúng căn cứ hoặc trái pháp luật, không đúng trình tự thủ tục. NSDLĐ phải mất thêm chi phí cho việc tuyển dụng, đào tạo và phát triển công nhân mới
Thứ hai, Ảnh hưởng đến kinh tế: Khi người sử dụng lao động sa thải số lượng lớn công nhân, nền kinh tế phải chịu đựng vì những công nhân này không thể đưa tiền trở lại nền kinh tế bằng cách mua hàng hóa theo cách họ đã làm trước khi họ bị sa thải. Hơn nữa, sa thải khiến số người nộp đơn xin và nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tăng lên, một yếu tố có thể khiến các sở lao động nhà nước cạn kiệt hoặc hết tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Chính phủ liên bang có thể phải sử dụng tiền của người nộp thuế để trả cho các phần mở rộng quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp
Thứ ba, Gây mất tinh thần, tập trung cho người ở lại: Công nhân ở lại các tổ chức nơi xảy ra sa thải có thể bắt đầu cảm thấy rằng công việc của họ cũng đang gặp nguy hiểm. Nhiều nhân viên còn lại có thể cảm thấy buồn vì những người mà họ làm việc trong nhiều năm đã được thả ra khỏi tổ chức. Điều này có thể hạ thấp tinh thần và tạo ra cảm giác không tin tưởng vào quản lý.
4. Những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn thực hiện pháp luật về kỷ luật sa thải
Thứ nhất, về việc ban hành nội quy lao động. Nhiều doanh nghiệp đã cụ thể hóa được các quy định về kỷ luật sa thải trong nội quy lao động nhưng lại có sự không phù hợp với quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Khi đăng ký nội quy lao động thì nội quy lao động quá sơ sài, thậm chí đơn thuần là sự sao chép lại các quy định của pháp luật.
Thứ hai, các doanh nghiệp, NSDLĐ vẫn còn thực hiện việc xử lý kỷ luật sa thải trái pháp luật. Tại nhiều doanh nghiệp, NSDLĐ đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của NLĐ mà bất chấp pháp luật, sa thải NLĐ với những lý do không chính đáng, không đúng pháp luật lao động, thậm chí còn không chứng minh được lỗi của người lao động. Điều này cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những khiếu nại, tranh chấp khởi kiện tại tòa án. Hầu hết các vụ án lao động về kỷ luật sa thải đều bắt nguồn từ nguyên nhân NLĐ cho rằng NSDLĐ đã vi phạm các quy định về kỷ luật sa thải, không có lý do chính đáng để sa thải họ.
Thứ ba, người sử dụng lao động vi phạm trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật sa thải. Có thể nói đây là vấn đề mà NSDLĐ thường xuyên vi phạm. Tình trạng NSDLĐ thường không tiến hành mở cuộc họp xử lý KLLĐ mà đã ra quyết định kỷ luật NLĐ, hoặc người ra quyết định không đúng thẩm quyền; NSDLĐ còn vi phạm nguyên tắc xử lý kỷ luật sa thải
Nguyên nhân của những hạn chế tồn tại:
Thứ nhất, là do quy định của pháp luật về kỷ luật sa thải còn khá lỏng lẻo. Nhiều trường hợp tranh chấp kỷ luật sa thải xảy ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc chưa có đủ cơ sở để áp dụng quy định của pháp luật.
Thứ hai, do ý thức chấp hành pháp luật của NSDLĐ và NLĐ vẫn còn yếu kém. Về phía NSDLĐ, bản thân họ là người quản lý, điều hành quá trình lao động của NLĐ. Nhưng trên thực tế sự hiểu biết về pháp luật lao động nói chung và kỷ luật sa thải nói riêng còn chưa đầy đủ. Từ đó dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật của NSDLĐ còn thiếu nghiêm túc, coi thường pháp luật, coi nhẹ quyền và lợi ích của NLĐ. Một số doanh nghiệp, NSDLĐ còn yếu kém về kỹ năng quản lý nhân sự, xếp NLĐ vào những vị trí không phù hợp với khả năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của họ dẫn đến một số vi phạm kỷ luật lao động gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Về phía NLĐ, thực tế trong hoạt động của doanh nghiệp hiện nay, ý thức chấp hành kỷ luật lao động của NLĐ còn yếu kém, tác phong công nghiệp chưa cao, dẫn đến số lượng hành vi vi phạm KLLĐ không ngừng tăng lên.
Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được quan tâm đúng mức và thường xuyên. Trên thực tế, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường chỉ được quan tâm khi Bộ luật lao động mới được ban hành còn các văn bản luật khác thì chưa được phổ biến sâu rộng. Phần lớn NLĐ và NSDLĐ còn chưa nắm vững các quy định pháp luật về kỷ luật sa thải
Thứ tư, hoạt động thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong xử lý kỷ luật sa thải chưa đạt hiệu quả cao. Mặc dù hệ thống cơ quan quản lý lao động ngày càng được mở rộng quyền và phạm vi hoạt động nhưng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan này vẫn còn tồn tại một số bất cập: Như đội ngũ cán bộ còn thiếu chuyên môn, chất lượng hoạt động còn chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình; hoạt động thanh tra, giám sát còn lỏng lẻo, chưa kịp thời. Chính vì vậy, những hạn chế trên đã làm cho hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm kỷ luật sa thải chưa đạt hiệu quả cao và dẫn đến công tác quản lý nhà nước của cơ quan quản lý lao động ở nước ta còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
5. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện pháp luật về kỷ luật sa thải
Thứ nhất, bảo đảm và mở rộng quyền xử lý kỷ luật sa thải của NSDLĐ trong mối tương quan với việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Nhìn chung, pháp luật về kỷ luật sa thải hiện nay về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu này. Nhưng vẫn còn một số quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật sa thải còn nhiều bất cập, vướng mắc. NSDLĐ còn mất quá nhiều thời gian cho việc xử lý kỷ luật sa thải. Vậy nên, pháp luật lao động Việt Nam hiện hành cần phải đơn giản hóa các thủ tục tiến hành xử lý kỷ luật sa thải, rút ngắn thời gian ra quyết định xử lý kỷ luật, thiết lập những quy định mới để tạo ra tính chủ động cho NSDLĐ trong quá trình ra quyết định xử lý kỷ luật nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi của NLĐ cũng như tính hợp pháp của quyết định sa thải
Thứ hai, cần tăng cường ý thức kỷ luật lao động của NLĐ nhằm bảo vệ hoạt động của doanh nghiệp theo đúng trật tự, buộc NSDLĐ phải có biện pháp xử lý nghiêm, tác động tới ý thức chấp hành kỷ luật của cá nhân cũng như tập thể NLĐ
Thứ ba, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về pháp luật lao động nói chung và kỷ luật sa thải nói riêng cho NLĐ và NSDLĐ
Thứ tư, nâng cao vai trò của công đoàn và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong việc xử lý kỷ luật sa thải. Nâng cao nhận thức của NLĐ về vai trò của công đoàn và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; nâng cao chất lượng của các cán bộ bằng cách có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật lao động.
Thứ năm, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc thẩm định hồ sơ đăng ký nội quy lao động, đặc biệt là nội dung kỷ luật sa thải. Nội quy lao động là văn bản chứa đựng các quy tắc xử sự do NSDLĐ đặt ra dựa trên các quy định của pháp luật lao động và pháp luật có liên quan, nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa NLĐ và NSDLĐ trong quá trình lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp còn đưa các nội dung về kỷ luật sa thải vào nội quy lao động còn trái pháp luật, mà sự kiểm định hồ sơ đăng ký của các cơ quan chức năng còn khá lỏng lẻo nên không phát hiện được. Vậy nên, để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong việc xây dựng và ban hành nội quy lao động thì cần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm định nội quy lao động thông qua các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên nghiệp, trau dồi thêm về kiến thức pháp luật lao động.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp Quý bạn đọc hiểu rõ hơn về ưu, nhược điểm khi thực hiện pháp luật về kỷ luật sa thải. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.