Vì sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

Vì sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

Ngày nay, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã trở nên phổ biến, tạo được sự thúc đẩy và bước tiến lớn trong sản xuất kinh doanh, là một trong ba trụ cột của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chính là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp. Vậy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là gì? Vì sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước? Kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Phamlaw.

1. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là gì?

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là việc chuyển doanh nghiệp mà chủ sở hữu là nhà nước (doanh nghiệp đơn sở hữu) sang thành hình thức công ty cổ phần, hoạt động theo các quy định về công ty cổ phần trong Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Với khái niệm này, đối tượng của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chỉ là doanh nghiệp nhà nước có 100% vốn nhà nước. Các loại hình doanh nghiệp mà nhà nước có cổ phần, vốn góp chi phối không phải đối tượng của cổ phần hóa. Các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa sẽ được chuyển đổi thành công ty cổ phần, là một tổ chức kinh doanh có tư cách pháp nhân mà vốn kinh doanh do nhiều người đóng góp dưới hình thái cổ phần.

Từ những nội dung trên, có thể đưa ra khái niệm cổ phần hóa như sau: “Cố phần hóa là quá trình thực hiện xã hội hóa sở hữu, chuyển các doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu nhà nước thành công ty cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia mua cổ phiếu”.

2. Vì sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

2.1. Những yếu kém trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước

 Trong thời kỳ trước năm 1985, “các xí nghiệp quốc doanh nắm giữ phần lớn tài sản cố định và vốn lưu động, với gần ba triệu lao động, tạo ra 35% -40% GDP và đóng góp trên 50% ngân sách nhà nước”. Thời kỳ này nền kinh tế nước ta vẫn duy trì theo cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, doanh nghiệp nhà nước sản xuất và phân phối hàng hóa dưới sự chỉ đạo của Nhà nước. Tuy nhiên, việc duy trì cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã làm cho nền kinh tế nước ta rơi vào trì trệ và khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ hoặc không có lãi. Nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả là do doanh nghiệp dựa dẫm, ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước, từ đó gây nên sự thụ động trong doanh nghiệp, dẫn đến năng suất thấp, chất lượng kém. Thực tế đó đã dẫn tới việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước để khắc phục tình trạng nói trên.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986, Đảng đã xác định vai trò của kinh tế nhà nước vẫn là vai trò chủ đạo nhưng không nắm giữ vị trí độc tôn trong nền kinh tế, chỉ nắm giữ những lĩnh vực then chốt. Thời kỳ này, đổi mới doanh nghiệp nhà nước là một trong những nội dung quan trọng của quá trình đổi mới kinh tế, theo đó quyền tự chủ cho doanh nghiệp từng bước được mở rộng đi đôi với xóa bỏ dần chế độ bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại theo hướng giải thể các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng bắt đầu được thực hiện thí điểm từ năm 1992. “Tuy nhiên, cổ phần hóa và cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước mới chỉ giảm được 6 – 8% tổng vốn của doanh nghiệp nhà nước đang chiếm giữ, nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn trong tình trạng thua lỗ; bao cấp của Nhà nước vẫn chưa bị cắt bỏ mà còn tái lập dưới nhiều hình thức; đặc biệt, độc quyền nhà nước được chuyển thành độc quyền doanh nghiệp nhà nước lại càng nguy hại hơn so với các độc quyền tự nhiên trong kinh tế thị trường, bởi khả năng liên kết để hình thành các nhóm lợi ích độc quyền có khả năng chi phối chính sách rất cao.

Trong những năm gần đây, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước là không cao. Tính đến năm 2015, “doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA, thế nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng GDP. Nhiều doanh nghiệp nhà nước có năng suất lao động thấp, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được kỳ vọng, do đó đã trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hạn chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, cụ thể như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được quyền tự chủ về tài chính và tự chủ sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp nhà nước hiện nay vẫn còn chưa chủ động trong việc huy động vốn và quản lý tài sản, chỉ có rất ít các doanh nghiệp có chiến lược huy động vốn một cách cụ thể. Do chủ sở hữu doanh nghiệp là Nhà nước, nên doanh nghiệp luôn rơi vào thế bị động hoặc ỷ lại vào các quyết định của Nhà nước trong khi người quản lý doanh nghiệp mới là người nắm rõ nhất tình trạng của doanh nghiệp thì lại không được quyền tự mình quyết định mọi vấn đề hệ trọng của doanh nghiệp. Từ đó, các quyết định liên quan tới hoạt động tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh không được doanh nghiệp đưa ra kịp thời, hoặc các quyết định được đưa ra không chính xác do phải phụ thuộc vào sự chỉ đạo của Nhà nước.

Thứ hai, người quản lý doanh nghiệp nhà nước có trình độ quản lý còn yếu kém, cơ chế quản lý trong các doanh nghiệp còn chưa hợp lý, kém hiệu quả. Ở các doanh nghiệp nhà nước, người quản lý doanh nghiệp chỉ là người được Nhà nước phân công làm đại diện phần vốn chủ sở hữu chứ không phải chủ sở hữu của doanh nghiệp. Do đó, trách nhiệm đối với tình hình hoạt động của doanh nghiệp không cao. Bên cạnh đó, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước thường làm theo nhiệm kỳ, điều đó khiến cho những người này không thể có được những kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về doanh nghiệp để điều hành doanh nghiệp đó. Như vậy, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không thể chỉ đạo, giám sát tốt hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, từ đó dẫn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trở nên kém hiệu quả.

Trước tình hình đó, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là cần thiết bởi cổ phần hóa sẽ làm tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, các quyết định liên quan đến những vấn đề hệ trọng của doanh nghiệp sẽ được đưa ra chính xác, kịp thời, không bị phụ thuộc một cách tuyệt đối vào Nhà nước bởi doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa sẽ là doanh nghiệp đa chủ sở hữu chứ không phải chỉ duy nhất một chủ sở hữu là Nhà nước. Ngoài ra, việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần sẽ làm thay đổi cơ chế quản lý tại doanh nghiệp. Người quản lý công ty cổ phần có thể là cổ đông của công ty cổ phần, hoặc có thể là người được thuê để thực hiện công việc quản lý, người quản lý sẽ phải có trình độ chuyên môn giỏi và tinh thần trách nhiệm cao đối với doanh nghiệp. Như vậy, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ khắc phục được những hạn chế tồn tại trong các doanh nghiệp nhà nước, từ đó từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiệu quả hơn.

2.2. Lợi thế của công ty cổ phần so với các loại hình doanh nghiệp khác

Để đa dạng hóa chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cần phải được chuyển đổi thành loại hình công ty cổ phần với đặc trưng không giới hạn số lượng tối đa chủ sở hữu.

Đối với bản thân doanh nghiệp, so với các loại hình doanh nghiệp khác, công ty cổ phần có nhiều lợi thế giúp cho doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh trên thị trường, cụ thể như sau:

Thứ nhất, công ty cổ phần có khả năng huy động vốn dễ dàng mà các loại hình doanh nghiệp khác không có được. Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp mà vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần và loại hình doanh nghiệp này không giới hạn tối đa số lượng cổ đông. Do đó, nếu các loại hình doanh nghiệp khác chỉ có thể huy động vốn thông qua vay vốn ngân hàng (như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc phát hành trái phiếu (như công ty trách nhiệm hữu hạn), thì công ty cổ phần còn có thể thực hiện huy động vốn thông qua chào bán cổ phần thay vì các hình thức huy động vốn khác gặp nhiều khó khăn hơn như vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu. Đối với việc vay vốn ngân hàng, những khoản tiền các ngân hàng (với tư cách là các trung gian tài chính) cho doanh nghiệp vay lại được huy động từ các chủ thể có tiền tạm thời nhàn rỗi trong nền kinh tế, do đó chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để có được vốn vay từ các ngân hàng có thể sẽ cao hơn so với chi phí doanh nghiệp bỏ ra để huy động vốn trực tiếp từ các chủ thể khác có tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế.

 Bên cạnh đó, so với kênh huy động vốn phát hành trái phiếu, việc chào bán cổ phiếu sẽ khiến các doanh nghiệp không bị ràng buộc bởi trách nhiệm hoàn trả các cổ đông nguồn vốn mà họ đã góp, do đó việc chào bán cổ phiếu sẽ đem lại cho doanh nghiệp nguồn vốn ổn định. Điều này giúp cho công ty cổ phần có khả năng tập trung vốn nhanh và nhiều để đủ sức thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh với quy mô lớn.

Thứ hai, công ty cổ phần với nhiều chủ sở hữu sẽ tự chủ trong việc đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh so với doanh nghiệp nhà nước. Nếu các doanh nghiệp nhà nước thường rơi vào thế bị động hoặc ỷ lại vào các quyết định của nhà nước về sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do doanh nghiệp chỉ có một chủ sở hữu duy nhất là nhà nước, thì đối với công ty cổ phần có nhiều chủ sở hữu, các vấn đề hệ trọng của doanh nghiệp sẽ được quyết định bởi đại hội đồng cổ đông với quyền biểu quyết của mỗi cổ đông tương đương với tỷ lệ cổ phần mà cổ đông đó sở hữu tại doanh nghiệp. Do đó, trong trường hợp nhà nước không phải là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối tại doanh nghiệp, các quyết định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các cổ đông khác, các vấn đề hệ trọng của doanh nghiệp sẽ được quyết định một cách nhanh chóng, kịp thời do không phải chờ đợi xin ý kiến chỉ đạo từ nhà nước.

Như vậy, việc quyết định các vấn đề hệ trọng của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa sẽ không còn phụ thuộc hoàn toàn tuyệt đối vào nhà nước. Bên cạnh đó, công ty cổ phần có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, điều đó cho phép người quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chủ động linh hoạt tìm kiếm và thực thi các giải pháp kinh doanh có lợi nhất. Như vậy, trách nhiệm của những người quản lý công ty cổ phần đối với hoạt động sản xuất kinh doanh được đề cao, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Thứ ba, công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp tốt nhất có thể tranh thủ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay việc thu hút vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý thông qua liên kết với nước ngoài là vô cùng cần thiết để phát triển kinh tế trong nước. Công ty cổ phần với lợi thế huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp, từ đó các nhà đầu tư nước ngoài trở thành cổ đông của doanh nghiệp và có thể có những đóng góp nhất định cho doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ tư, việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty cổ phần được thực hiện một cách tự do, trừ một số quy định của pháp luật liên quan đến hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập hoặc hạn chế chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết.

Hầu hết pháp luật về công ty của các nước trên thế giới đều qui định và cho phép chuyển nhượng một cách dễ dàng và tự do các loại cổ phiếu do công ty cổ phần phát hành từ cổ đông sang chủ sở hữu mới.

Pháp luật Việt Nam quy định về chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty cổ phần cũng không phải ngoại lệ. Trong khi đó đối với công ty trách nhiệm hữu hạn theo qui định của pháp luật Việt Nam, thành viên của công ty khi muốn chuyển nhượng phần vốn góp phải ưu tiên chuyển nhượng cho các thành viên còn lại trong công ty và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên công ty nếu các thành viên còn lại không mua hoặc không mua hết. Do đó các nhà đầu tư thường muốn đầu tư vào công ty cổ phần hơn là các loại hình doanh nghiệp khác.

Đối với nhà đầu tư, sau khi trở thành cổ đông của công ty cổ phần, nhà đầu tư đó chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trừ một số trường hợp pháp luật quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, nhà đầu tư có thể dễ dàng điều chuyển vốn đầu tư từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác thông qua hình thức chuyển nhượng, mua bán cổ phần.

Việc minh bạch thông tin của công ty cổ phần cũng là một lợi thế để các nhà đầu tư an tâm lựa chọn đầu tư vào công ty cổ phần so với các loại hình doanh nghiệp khác. Công ty cổ phần đặc biệt là các công ty cổ phần đại chúng phải tuân thủ chế độ công bố thông tin nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật. Đối với các nhà đầu tư (bao gồm cả các cổ đông của công ty), việc công ty cổ phần công bố thông tin minh bạch, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật sẽ giúp cho các nhà đầu tư có được quyết định đầu tư đúng đắn dựa trên tình hình tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh của công ty được công bố.

Đối với nhà nước, nghĩa vụ công bố thông tin của công ty cổ phần là căn cứ để Nhà nước có thể thu đúng và đủ thuế của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngoài nghĩa vụ thuế mà công ty cổ phần phải thực hiện đối với Nhà nước, các cổ đông của công ty cổ phần cũng phải chịu thuế từ nguồn cổ tức và lãi cổ phần đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

2.3. Lợi ích của việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Đối với bản thân doanh nghiệp, sau khi chuyển đổi thành loại hình công ty cổ phần, doanh nghiệp sẽ có được những lợi thế mà công ty cổ phần có được so với các loại hình doanh nghiệp khác. Cổ phần hóa sẽ làm đa dạng hóa chủ sở hữu của doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp có thể thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn như Nhà nước, người lao động trong doanh nghiệp, cổ đông ngoài doanh nghiệp. Do đó, khả năng huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần sẽ làm giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào doanh nghiệp. Nói cách khác, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được tự chủ, các quyết định đầu tư, kinh doanh, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp sẽ được đưa ra nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu về thời gian, tiến độ mà không bị lệ thuộc hoàn toàn vào sự phê duyệt của Nhà nước. Do đó, việc chuyên doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần sẽ giúp các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa khắc phục được những hạn chế khi mà số lượng các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam quá lớn, hoạt động trì trệ, kỹ thuật lạc hậu.

Đối với người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chính là tạo điều kiện cho người lao động trong doanh nghiệp tham gia mua cổ phần và khẳng định quyền làm chủ của mình. Công ty cổ phần với đặc thù không giới hạn số lượng tối đa nhà đầu tư, người lao động có thể trở thành cổ đông của doanh nghiệp. Khi đó, người lao động sẽ có động lực làm việc, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động sẽ gắn với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có như vậy, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ trở nên hiệu quả hơn, đồng thời người lao động sẽ được hưởng lợi nhuận xứng đáng với công sức lao động của họ.

Đối với nền kinh tế, việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần đặc biệt là các công ty cổ phần đại chúng sẽ thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán, từ đó thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập với khu vực và trên thế giới.

Trên đây là bài viết về Vì sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Vì sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước? Luật Phamlaw

5/5 - (2 bình chọn)