Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Dân sự 2015
Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 chính thức thông qua ngày 24/11/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 (BLDS 2015). BLDS 2015 có nhiều nội dung đổi mới so với Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005), trong đó một vấn đề đáng chú ý và có tác động lớn tới các hoạt động ngân hàng đó là nội dung về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trong phạm vi bản tin kỳ này, Phòng pháp chế xin đưa ra một số điểm cần lưu ý trong quá trình áp dụng chế định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong BLDS 2015 như sau:
- Về việc thực hiện giao dịch có sự tham gia của hộ gia đình (HGĐ)
Hiện nay, quy định pháp luật đối với tài sản chung của hộ gia đình (HGĐ) vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt về việc xác định thành viên hộ gia đình tham gia giao dịch dân sự, gây không ít khó khăn cho các tổ chức tín dụng đi thẩm định, xem xét nhận tài sản bảo đảm.
Về nguyên tắc, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của HGĐ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận; Theo quy định tại BLDS 2005, việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý. Tuy nhiên, thực tế việc xác định các thành viên của hộ gia đình tham gia các giao dịch dân sự như chuyển nhượng, thế chấp là việc không đơn giản. Nhiều trường hợp do xác định thiếu thành viên hộ gia đình nên Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất bị vô hiệu, làm ảnh hưởng lớn quyền lợi của các tổ chức tín dụng.
BLDS 2015 tiếp tục ghi nhận phương thức thỏa thuận của các thành viên hộ gia đình khi chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình. Nhưng theo hướng có lợi hơn đối với các tổ chức tín dụng. Cụ thể:
“Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này”. (khoản 2 Điều 212 BLDS năm 2015)
Rủi ro pháp lý đối với những giao dịch dân sự do thành viên không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập, thực hiện sẽ được xác định vô hiệu từng phần (Điều 104, Điều 130 BLDS 2015). Việc quy định trường hợp hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; đồng thời ghi nhận sở hữu chung của HGĐ là sở hữu chung theo phần, sẽ tạo ra cơ chế phù hợp cho các chủ thể khi xác lập các giao dịch liên quan đến tài sản chung của HGĐ.
- Về hiệu lực của giao dịch bảo đảm và hiệu lực đối kháng với người thứ ba
BLDS 2015 có sự phân định rõ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng với thời điểm phát sinh hiệu lực của biện pháp bảo đảm đối với người thứ ba (hay “hiệu lực đối kháng với người thứ ba” – một cách gọi khác được sử dụng trong BLDS 2015).
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng:
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng: Về nguyên tắc, hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác (Điều 401 BLDS 2015).
Một trong những điểm mới của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005 đó là một số trường hợp, các quy định của Luật là các quy định ưu tiên áp dụng. Điều này phần nào tránh được các vướng mắc khi áp dụng pháp luật bao gồm các quy định chồng chéo của Luật, Nghị định, thông tư.
- Thời điểm đối kháng với người thứ ba:
Khác với BLDS năm 2005 khi chưa có quy định cụ thể về cách xác định thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba, BLDS 2015 đã quy định thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba cũng như phương thức làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba là: đó là: (i) Nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm và (ii) Đăng ký biện pháp bảo đảm (Điều 297 BLDS năm 2015).
Việc quy định rõ thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba giúp bên nhận bảo đảm có căn cứ xác định thời điểm được quyền truy đòi TSBĐ và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 BLDS năm 2015.
- Về xử lý tài sản bảo đảm:
Hiện tại, Nghị định 163 và Nghị định 11 quy định “Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Tuy nhiên, Điều 301 Bộ Luật dân sự năm 2015 không quy định về việc thu giữ tài sản, chỉ quy định “Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”;
Quy định bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, là giải quyết việc giao tài sản hay giải quyết việc xử lý tài sản bảo đảm? Điều này làm hạn chế quyền của bên nhận bảo đảm trong việc chủ động xử lý tài sản thu hồi nợ.
- Về một số biện pháp bảo đảm cụ thể
Điều 292 BLDS 2015 quy định 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ lần lượt bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp và cầm giữ tài sản.
Theo đây, có thể phân loại các nhóm biện pháp bảo đảm thành 03 nhóm:
- Nhóm biện pháp bảo đảm được xác lập theo thỏa thuận và có TSBĐ: cầm cố tài sản; thế chấp tài sản; đặt cọc; ký cược; ký quỹ; bảo lưu quyền sở hữu;
- Nhóm biện pháp bảo đảm được xác lập theo thỏa thuận và không có TSBĐ bao gồm: bảo lãnh; tín chấp;
- Nhóm biện pháp bảo đảm được xác lập theo quy định của luật, không dựa trên thỏa thuận: cầm giữ tài sản.
Như vậy, BLDS 2015 đã bổ sung thêm 02 biện pháp bảo đảm so với BLDS 2005 đó là Bảo lưu quyền sở hữu (thuộc nhóm 01) và Cầm giữ tài sản (thuộc nhóm 03).
- Về biện pháp cầm cố tài sản:
Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. (Điều 309 BLDS năm 2015)
Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. (Khoản 2 Điều 310 BLDS năm 2015).
Theo đó, BLDS năm 2015 đã đề cập tới việc cầm cố tài sản là bất động sản. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở quy định này của Luật thì thực tế sẽ rất khó thực hiện. Bởi, điều này mâu thuẫn với Luật Đất đai năm 2013 (chỉ đề cập đến thế chấp quyền sử dụng đất, không nhắc đến cầm cố quyền sử dụng đất); Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 (chỉ đề cập đến thế chấp bất động sản, không nhắc đến cầm cố bất động sản), Luật Nhà ở năm 2014 (chỉ để cập đến thế chấp nhà ở, không nhắc đến cầm cố nhà ở).
Quy định cho phép cầm cố bất động sản, thì việc chuyển giao tài sản được hiểu khác với quy định hiện hành như thế nào và đặc biệt khi xử lý tài sản cầm cố và tài sản thế chấp là bất động sản sẽ khác nhau ra sao? Do đó, để thực hiện được quy định mới này của BLDS năm 2015, các tổ chức tín dụng sẽ phải chờ câu trả lời tại các hướng dẫn thi hành sau khi BLDS năm 2015 chính thức có hiệu lực.
- Về biện pháp bảo lãnh:
BLDS năm 2015 ghi nhận việc các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (Điều 336).
Quy định mới này tạo nên một số quan điểm liên quan về các biện pháp bảo đảm. Có quan điểm cho rằng, biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh sẽ thay thế cho biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác. Quan điểm khác cho rằng với quy định này của BLDS năm 2015, biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác và biện pháp bảo lãnh bằng tài sản sẽ song song tồn tại. Đến giờ vẫn chưa có phương án chính thức, sự không rõ ràng này dẫn tới việc các tổ chức tín dụng chưa có cơ chế xây dựng quy trình nội bộ về nhận tài sản bảo đảm. Thời gian tới, chúng ta vẫn phải chờ những hướng dẫn mới của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhìn chung, chế định Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Dân sự 2015 được đánh giá phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và đặt nền tảng cho việc hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm tại Việt Nam. Các quy định mới về các biện pháp bảo đảm cơ bản giải quyết được những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn ký kết và thực hiện các hợp đồng bảo đảm. Tuy nhiên, để có một chế định toàn diện về vấn đề này cần trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài và những bất cập còn tồn đọng trên thực tế được trông đợi có thể giải quyết tại các văn bản hướng dẫn BLDS 2015 dự kiến ban hành trong thời gian tới.
—————————
Phòng tư vấn pháp lý công ty luật Phamlaw