Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng

Quy định về điều kiện hoàn thuế GTGT, hướng dẫn làm hồ sơ hoàn thuế GTGT, các trường hợp được hoàn thuế GTGT theo Luật quản lý thuế 2019 và Thông tư 80/2021/TT-BTC. Công ty Luật Phamlaw xin trích dẫn cụ thể như sau:

>>> Dịch vụ quyết toán thuế

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật quản lý thuế 2019

Thông tư 80/2021/TT-BTC

Nghị định số 126/2020/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Điều kiện hoàn thuế GTGT

– Là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ,

– Đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền,

– Có con dấu theo đúng quy định của pháp luật,

– Lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán;

– Có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh.

Chú ý: Các trường hợp cơ sở kinh doanh đã kê khai đề nghị hoàn thuế trên Tờ khai thuế GTGT thì không được kết chuyển số thuế đầu vào đã đề nghị hoàn thuế vào số thuế được khấu trừ của tháng tiếp sau.

2. Hoàn thuế giá trị gia tăng là gì?

Thuế giá trị gia tăng (hay gọi là thuế VAT) là loại thuế gián thu được nhà nước đánh vào người tiêu dùng, được tính vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông đến tay người tiêu dùng.

Hoàn thuế giá trị gia tăng là việc nhà nước hoàn trả lại số thuế giá trị gia tăng mà đối tượng nộp thuế đã nộp cho Ngân sách nhà nước trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp, công ty, cơ sở kinh doanh là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng nhưng người chịu thuế giá trị gia tăng lại là người tiêu dùng cuối cùng.

3. Trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc xử lý hồ sơ hoàn thuế.

Theo quy định tại khoản 1 điều 27 Thông tư 80/2021/TT-BTC, trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế:

– Hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật thuế giá trị gia tăng.

– Hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học.

– Hoàn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Điều ước quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo đó, trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế được quy định như sau:

– Cục Thuế có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn thuế nêu tại khoản 1 điều 27 Thông tư 80/2021/TT-BTC (trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản này) đối với người nộp thuế do Cục Thuế quản lý trực tiếp và người nộp thuế do Chi cục Thuế quản lý trực tiếp.

Riêng các Cục Thuế thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cục trưởng Cục Thuế có thể phân công cho Chi cục Thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng của người nộp thuế do Chi cục Thuế quản lý trực tiếp và thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế, bao gồm: phân loại hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước hoặc thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế; xác định số thuế được hoàn; xác định số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp phải bù trừ với số thuế được hoàn; dự thảo Quyết định hoàn thuế hoặc Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước hoặc Thông báo về việc không được hoàn thuế (nếu có); sau đó Chi cục Thuế chuyển toàn bộ hồ sơ cho Cục Thuế để tiếp tục thực hiện hoàn thuế theo quy định tại Thông tư 80/2021/TT-BTC.

– Cục Thuế nơi người nộp thuế khai thuế giá trị gia tăng của dự án đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn thuế đối với dự án đầu tư của người nộp thuế.

– Cơ quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động.

4. Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng

Thủ tục hoàn thuế GTGT tuy đơn giản nhưng các doanh nghiệp nên nắm rõ để quy trình diễn ra nhanh chóng. Thủ tục hoàn thuế GTGT được quy định tại Thông tư 80/2021/TT-BTC, bao gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Theo quy định tại điều 28 Thông tư 80/2021/TT-BTC, hồ sơ hoàn thuế GTGT gồm có:

– Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC;

– Các tài liệu và giấy tờ liên quan đến hoàn thuế được quy định cụ thể tại khoản 2 điều 28 Thông tư 80/2021/TT-BTC như hợp đồng mua bán, gia công, tờ khai hải quan, các chứng từ thanh toán qua ngân hàng,..

Bước 2: Nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ tại các cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc có thể nộp tại các cơ quan hải quan có thẩm quyền hoàn thuế.

Đối với hình thức nộp, có thể nộp hồ sơ hoàn thuế điện tử hoặc nộp trực tiếp tại các cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu điện.

Bước 3: Xử lý yêu cầu hoàn thuế giá trị gia tăng

Sau khi nộp hồ sơ các giấy tờ cần thiết tại cơ quan thuế có thẩm quyền, Cục thuế sẽ lập ra các Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước, lập Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước và gửi cho nhà nước đồng cấp theo quy định của Pháp luật.

Bước 4: Thời hạn giải quyết hoàn thuế

Sau khi các cơ quan thuế có thẩm quyền xem xét hồ sơ và yêu cầu hoàn thuế GTGT, cơ quan ấy sẽ đưa ra quyết định về thời hạn giải quyết hoàn thuế.

Hồ sơ hoàn trước – kiểm tra sau: Thời hạn làm việc là 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế đầy đủ. Phương án này sẽ áp dụng cho những Doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của Pháp luật.

Kiểm tra hồ sơ trước – hoàn thuế sau: Phương án này có thời hạn là 60 ngày kể từ ngày cơ quan chứng năng tiếp nhận hồ sơ đầy đủ. Phương án này sẽ được áp dụng với các doanh nghiệp lần đầu hoặc hoàn thuế lần 2 trở đi, tuy nhiên hồ sơ của doanh nghiệp còn nhiều khuyết điểm cần phải xem xét và bổ sung.

Bước 5: Kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế đối với người nộp thuế

Sau các thời hạn giải quyết hoàn thuế, cơ quan thuế có thẩm quyền sẽ hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp.

Sau khi hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp, thanh tra sẽ kiểm tra đối với người nộp thuế. Nếu có bất cứ trường hợp phát hiện số thuế chưa đúng quy định, các cơ quan thuế có thể ban hành quyết định thu hồi số tiền thuế đã hoàn và có thể sẽ chịu mức hình phạt, xử lý đối với doanh nghiệp theo đúng Pháp luật.

Trên đây tư vấn của Phamlaw về hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, nếu bạn có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật thuế , vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

5/5 - (1 bình chọn)