Đăng ký thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp mới

ĐĂNG KÝ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG CHO DOANH NGHIỆP MỚI

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đăng ký phương pháp tính thuế giá trị gia tăng. Tùy thuộc vào từng đối tượng khác nhau mà cơ sở kinh doanh kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp hay phương pháp khấu trừ.

Vậy việc đăng ký phương pháp tính thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp mới thành lập cần những thủ tục gì, có phức tạp không? Dưới đây, Phamlaw sẽ hướng dẫn cụ thể các thủ tục cần thiết theo quy định pháp luật mới nhất để quý khách hàng có thể tham khảo:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật quản lý thuế 2019

– Luật thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013

– Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế

– Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

– Thông tư số 93/2017/TT-BTC

– Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hoá đơn

– Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn luật thuế giá trị gia tăng …

2. Đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng

Theo quy định tại điều 2,3,4 Luật thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013 thì:

– Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài).

– Người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam thông qua việc mua hàng hóa, dịch vụ với giá đã bao gồm thuế GTGT.

– Đối tượng kê khai và nộp thuế là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT.

3. Phương pháp kê khai thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp mới thành lập

Theo quy định tại điều 9, 10 và 11 Luật thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013 và điều 12,13 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì hiện nay có hai phương pháp kê khai thuế GTGT là khấu trừ và trực tiếp. Việc lựa chọn phương pháp nào để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp – số thuế GTGT phải nộp là nhỏ nhất là việc làm cần thiết.

Trước hết, để biết doanh nghiệp nên chọn phương pháp tính thuế GTGT nào thì doanh nghiệp đó cần hiểu rõ về từng phương pháp kê khai thuế giá trị gia tăng.

3.1 Khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Theo điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định phương pháp khấu trừ thuế được áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:

– Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh

– Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.

Cách tính: Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

3.2 Kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

Theo điều 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu áp dụng như sau:

– Đối tượng áp dụng:

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC;

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC;

+ Hộ, cá nhân kinh doanh;

+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí.

+ Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

3.3. Doanh nghiệp mới lập nên lựa chọn phương pháp khai thuế nào?

Theo Thông tư số 93/2017/TT-BTC và Thông tư 219/2013/TT-BTC  thì việc xác định phương pháp tính thuế GTGT căn cứ theo Hồ sơ khai thuế GTGT do cơ sở kinh doanh gửi đến cơ quan thuế, cụ thể:

– Nếu cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 01/GTGT ban hành theo Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP đến cơ quan thuế.

– Nếu cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng phương pháp trực tiếp thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 03-04/GTGT ban hành theo Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP đến cơ quan thuế.

Việc lựa chọn phương pháp tính thuế GTGT chỉ đặt ra với doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới mức một tỷ đồng. Trong trường hợp các doanh nghiệp này tự nguyện lựa chọn áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì phải gửi thông báo về việc áp dụng phương pháp khấu trừ thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Pháp luật quy định về phương pháp tính thuế theo phương pháp khấu trừ để nhằm mục đích xác định số thuế phải nộp của doanh nghiệp được trích một phần từ doanh thu của doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ với nhà nước. Nếu doanh nghiệp bạn thường xuyên phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để mua hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào thì công ty của bạn nên lựa chọn khai thuế theo phương pháp khấu trừ là phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp hầu như không có đầu vào hoặc không thường xuyên, vì chủ yếu là cung cấp dịch vụ dựa trên kiến thức, kỹ năng chuyên môn như hoạt động về giáo dục, tư vấn pháp lý…thì nên khai thuế theo phương pháp trực tiếp. Tóm lại, bạn cần xem xét hoạt động của doanh nghiệp có các đặc điểm như thế nào để lựa chọn áp dụng phương pháp tính thuế theo các phương pháp mà Luật Phamlaw đã chỉ ra bên trên.

4. Xác định kỳ kê khai thuế GTGT cho doanh nghiệp mới thành lập

Theo quy định tại điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định tiêu chí kê khai thuế GTGT theo quý thì đối với doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo quý.

Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý.

5. Trình tự và thủ tục khai thuế giá trị gia tăng

5.1. Trình tự và thủ tục Khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục Khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ theo các bước sau:

Bước 1: Người nộp thuế chuẩn bị số liệu, lập tờ khai và gửi đến cơ quan thuế chậm nhất vào ngày 20 của tháng sau tháng phát sinh (đối với trường hợp khai thuế GTGT theo tháng); chậm nhất vào ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế (đối với trường hợp khai thuế GTGT theo quý).

– Thành phần, số lượng hồ sơ bao gồm:

+Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo Mẫu số 01/GTGT ban hành theo Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

+ Bảng kê số thuế giá trị gia tăng đã nộp của doanh thu kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh

+ Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán (nếu có)

+Bảng phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương nơi có công trình xây dựng, lắp đặt liên tỉnh

Bước 2. Cơ quan thuế thực hiện tiếp nhận:

– Trường hợp hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.

– Trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.

– Trường hợp hồ sơ được nộp thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ khai thuế do cơ quan thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.

– Thời hạn giải quyết: Không phải trả kết quả cho người nộp thuế.

– Lệ phí (nếu có): Không

5.2. Thủ tục Khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục Khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp theo các bước sau:

Bước 1. Người nộp thuế chuẩn bị số liệu, lập tờ khai và gửi đến cơ quan thuế chậm nhất vào ngày 20 của tháng sau tháng phát sinh (đối với trường hợp khai thuế GTGT theo tháng); chậm nhất vào ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế (đối với trường hợp khai thuế GTGT theo quý).

– Thành phần hồ sơ bao gồm:

+ Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo Mẫu số 03-04/GTGT ban hành theo Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Bước 2. Cơ quan thuế thực hiện tiếp nhận:

– Trường hợp hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.

– Trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.

– Trường hợp hồ sơ được nộp thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ khai thuế do cơ quan thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.

– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Chi cục Thuế.

– Thời hạn giải quyết: Không phải trả kết quả cho người nộp thuế.

– Lệ phí (nếu có): Không

Liên quan đến các quy định đăng ký thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp mới thành lập, Luật PhamLaw là đơn vị với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý am hiểu pháp luật về Đăng ký doanh nghiệp và có kinh nghiệm dày dặn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính có thể giúp Quý khách có được kết quả một cách nhanh chóng nhất. Nếu cần thực hiện dịch vụ đăng ký phương pháp tính thuế giá trị gia tăng, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được hỗ trợ nhanh nhất. Luật Phamlaw cam kết tư vấn và thực hiện thủ tục đăng ký phương pháp tính thuế giá trị gia tăng trong thời gian sớm nhất với mức chi phí hợp lý nhất.

5/5 - (2 bình chọn)