Trường hợp giải quyết tranh chấp lao động không cần thông qua hòa giải

Tóm tắt câu hỏi về: Trường hợp giải quyết tranh chấp lao động không cần thông qua hòa giải

Xin chào Luật sư PhamLaw! Tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn như sau: Tôi là nhân viên phòng kinh doanh của công ty X, có trụ sở tại quận 1 tp.HCM. Ngày 01/09, tôi nhận được quyết định cho thôi việc của Ban Lãnh đạo trong công ty, mặc dù trong quá trình làm việc tôi không vi phạm bất cứ nội quy, quy định gì của công ty. Chỉ có mới đây nhất, ngày 12/08, do bất đồng quan điểm giải quyết công việc với cấp trên, tôi và Giám đốc đã tranh cãi rất căng thẳng trước mặt các đồng nghiệp khác. Tôi cho rằng việc cho thôi việc tôi như vậy là trái với quy định của pháp luật Lao động, tôi muốn khởi kiện công ty ra Tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền lợi. Đề nghị Luật sư tư vấn, trường hợp của tôi có thể yêu cầu Tòa án giải quyết được không? Nếu khởi kiện thì tôi phải khởi kiện ở Tòa án nào? Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư!

(Câu hỏi được biên tập từ nội dung gửi đến Tổng đài tư vấn pháp luật của PhamLaw)

Trường hợp giải quyết tranh chấp lao động không cần thông qua hòa giải
Trường hợp giải quyết tranh chấp lao động không cần thông qua hòa giải

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Tổng đài tư vấn pháp luật của Công ty Luật PhamLaw. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

  1. Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Lao động năm 2012;

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

2. Nội dung tư vấn:

Quan hệ lao động là quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động dựa trên sự trao đổi của mỗi bên nhằm mang lại lợi ích cho mình. Trong đó, người lao động cung cấp sức lao động, làm việc cho người lao động để nhận lại khoản thù lao nhất định, còn người sử dụng lao động sử dụng sức lao động của người lao động để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh. Thực tế, trong mối quan hệ liên quan đến lợi ích của một hoặc cả 2 bên không thể tránh khỏi sẽ phát sinh tranh chấp, và tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động giữa cá nhân/tập thể lao động với người sử dụng lao động là một trong những tranh chấp rất phổ biến, khi mà trong quan hệ lao động, người lao động là bên yếu thế hơn so với người sử dụng lao động. Xuất phát từ những vướng mắc phát sinh trên thực tế, Bộ luật lao động năm 2012 có những quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động cá nhân như sau:

  • Về cơ quan có thẩm quyề giải quyết tranh chấp lao động cá nhân:

“1. Hòa giải viên lao động. 2. Tòa án nhân dân” (Điều 200 Bộ luật Lao động)

  • Về các trường hợp giải quyết tranh chấp không bắt buộc thông qua thủ tục hòa giải:

“1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” (Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động).

Như vậy, theo luật định, một tranh chấp lao động cá nhân bắt buộc phải được giải quyết bằng hòa giải viên lao động, người sử dụng lao động mà khởi kiện lên Tòa án thì chỉ được Tòa án giải quyết nếu đáp ứng một trong các điều kiện:

(1) Tranh chấp lao động đã được hòa giải viên tiến hành hòa giải nhưng không thành;

(2) Khi hết thời hạn giải quyết (05 ngày) mà hòa giải viên không hòa giải theo quy định của pháp luật kể từ khi các bên tranh chấp có yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải;

(3) Tranh chấp đã được hòa giải thành, nhưng một trong các bên không thực hiện đúng những thỏa thuận thể hiện trong biên bản hòa giải;

(4) Các tranh chấp lao động không buộc phải thông qua thủ tục hòa giải (theo Điều luật trích dẫn ở trên)

Đối chiếu trường hợp của bạn với quy định của pháp luật, nếu công ty bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (không thuộc trường hợp được đơn phương chấm dứt quy định tại Điều 38 Bộ luật Lao động), hoặc chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không bồi thường, bồi thường không đúng theo quy định của pháp luật, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo đó, căn cứ quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự về thẩm quyền của Tòa án như sau:

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này”.

Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”

Vậy, bạn có thể khởi kiện công ty tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty bạn đặt trụ sở chính, trừ trường hợp bạn có thể thỏa thuận với công ty về việc Tòa án giải quyết tranh chấp là nơi cư trú của bạn.

Trên đây là tư vấn của công ty TNHH tư vấn PhamLaw về Trường hợp giải quyết tranh chấp lao động không cần thông qua hòa giải. Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của công ty TNHH tư vấn PhamLaw. Để được tư vấn các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật Phạm Law để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.

Rất mong nhận được sự hợp tác của khách hàng!

Trân trọng!

 

 

4.4/5 - (7 bình chọn)