Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020
Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, kính mong được Quý luật sư tư vấn giúp tôi về vấn đề sau. Tôi hiện là chủ của một doanh nghiệp vừa bắt đầu hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy tôi có tìm hiểu một chút về những quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp từ nhiều nguồn, trong đó có cả website tư vấn của Quý luật sư. Trong quá trình tìm hiểu, tôi thấy bên cạnh vốn điều lệ còn có một khái niệm khác về vốn của doanh nghiệp chính là vốn chủ sở hữu. Tôi mới biết đến khái niệm này và chưa hiểu biết gì về nó. Vậy Quý luật sư có thể làm rõ giúp tôi về vốn chủ sở hữu cũng như vai trò của nó trong doanh nghiệp được không?
Kính mong được Quý luật sư giải đáp.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của Phamlaw)
Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)
Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã quan tâm theo dõi các bài tư vấn của Phamlaw cũng như gửi câu hỏi đến cho Bộ phận tư vấn pháp luật. Về thắc mắc của Quý khách, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn của mình qua bài viết dưới đây. Hy vọng bài viết này sẽ giúp Quý khách có thêm thông tin cần thiết để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.
Vốn chủ sở hữu
So với khái niệm vốn điều lệ, khái niệm về vốn chủ sở hữu có vẻ được ít người nhận biết hơn. Vốn chủ sở hữu là một khái niệm kế toán, được sử dụng trong bảng cân đối kế toán. Vốn chủ sở hữu có phạm vi rộng hơn vốn điều lệ, nó bao gồm các thành phần sau:
- Vốn điều lệ;
- Thặng dư vốn cổ phần (đối với công ty cổ phần);
- Cổ phiếu quỹ (đối với công ty cổ phần);
- Lợi nhuận chưa phân phối;
- Các quỹ dự trữ;
- Các khoản mục khác của vốn chủ sở hữu.
Giá trị của vốn chủ sở hữu được tính bằng tổng giá trị tài sản có của công ty trừ đi tổng giá trị tài sản nợ của công ty. Thông thường, giá trị của vốn chủ sở hữu thường lớn hơn giá trị vốn điều lệ trừ khi các khoản mục khác trong vốn chủ sở hữu có giá trị âm. Đối với thặng dư vốn cổ phần và cổ phiếu quỹ thì đây là hai khái niệm áp dụng cho công ty cổ phần chứ không áp dụng cho loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn.
*Thặng dư vốn cổ phần
Thặng dư vốn cổ phần được hiểu là khoản mục riêng trong vốn chủ sở hữu áp dụng cho công ty cổ phần tuy nhiên không áp dụng cho công ty trách nhiệm hữu hạn. Thông thường cổ phần của công ty cổ phần sẽ có mệnh giá là 10.000 Việt Nam đồng. Trong trường hợp công ty cổ phần phát hành cổ phần cao hơn mệnh giá thì phần mệnh giá được ghi nhận trong vốn điều lệ; phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá được coi là thặng dư vốn cổ phần.
Ví dụ: Công ty cổ phần A phát hành cổ phần là 15.000 đồng (cao hơn mệnh giá thông thường là 10.000 đồng). Trong đó phần mệnh giá 10.000 đồng sẽ được ghị nhận trong vốn điều lệ; phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá (5000 đồng) sẽ được coi là thặng dư vốn cổ phần.
Căn cứ theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính thì mặc dù thặng dư vốn cổ phần chỉ áp dụng cho loại hình công ty cổ phần mà không áp dụng cho công ty trách nhiệm hữu hạn, tuy nhiên việc góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn cũng có thể có trường hợp phát sinh thặng dư giống như đối với công ty cổ phần. Quý khách có thể tham khảo ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này như sau:
Ví dụ: Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn B là 100 đồng và các thành viên mới góp 20 đồng. Các thành viên thống nhất thành viên mới chỉ chiếm 10% thay vì 20% vốn điều lệ công ty. Trong trường hợp này chỉ có 11 đồng được đưa vào vốn điều lệ để thành viên mới nắm 10% (11đồng : 110 đồng) còn 9 đồng thặng dư có thể được đưa vào khoản mục khác trong vốn chủ sở hữu theo hướng dẫn mới đây của Bộ Tài chính. Điều này chứng tỏ mặc dù công ty trách nhiệm hữu hạn không có một khoản mục cụ thể trong vốn chủ sở hữu như thặng dư vốn cổ phần, thặng dư phần vốn góp vẫn được ghi nhận trong vốn chủ sở hữu.
*Cổ phiếu quỹ
Cùng với thặng dư vốn cổ phần, cổ phiếu quỹ cũng là một khoản mục riềng trong vốn chủ sở hữu áp dụng cho loại hình công ty cổ phần. Khi công ty cổ phần mua lại cổ phần của chính mình và không hủy bỏ cổ phần đó thì số cổ phần này sẽ được coi là cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên có một chút khác biệt về quy định liên quan đến cổ phiếu quỹ trong Luật doanh nghiệp 2020, pháp luật chứng khoán và pháp luật về kế toán.
Tại Khoản 2 Điều 134 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định như sau: “Cổ phần được mua lại theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật này được coi là cổ phần chưa bán theo quy định tại khoản 4 Điều 112 của Luật doanh nghiệp 2020. Công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.” Như vậy theo quy định của điều luật này thì công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng không được có cổ phiếu quỹ. Sau khi mua lại cổ phần, công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần được mua lại. Ngược lại công ty cổ phần là công ty đại chúng được phép giữ lại cổ phần mua lại làm cổ phiếu quỹ, như vậy đối với công ty đại chúng việc giữ cổ phần mua lại làm cổ phiếu quỹ không làm giảm vốn điều lệ.
Khác với quy định của Luật doanh nghiệp 2020, pháp luật về kế toán không có sự phân biệt giữa công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng và công ty cổ phần là công ty đại chúng. Theo đó, bất kỳ công ty cổ phần nào cũng được phép có phiếu quỹ. Theo pháp luật về kế toán quy định, các cổ phiếu quỹ do công ty cổ phần nắm giữ không nhận được cổ tức, không có quyền bầu cử hay tham gia chia phần tài sản khi công ty giải thể.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw về thắc mắc của Quý khách liên quan đến vấn đề Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020. Nếu Quý khách còn có vướng mắc hay muốn biết thêm thông tin về các thủ tục thành lập doanh nghiệp mới, giải thể doanh nghiệp, chuyển nhượng cổ phần… xin vui lòng liên hệ với Tổng đài Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw, số hotline 1900. Để sử dụng dịch vụ nêu trên, Quý khách vui lòng kết nối tới Số hotline: 0973938866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.
——————————
Phòng tư vấn doanh nghiệp chuyên sâu – Phamlaw
> Xem thêm: