Quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường

Quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường

Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là một trong những hoạt động quản lý nhà nước đối với môi trường, đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo giải quyết một cách hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Để hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật Bảo vệ môi trường 2020

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Khái niệm đánh giá tác động môi trường

Theo khoản 7 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020: “Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó”

2. Bản chất pháp lý của đánh giá tác động môi trường

Để hiểu rõ hơn về ĐTM thì song song với việc tìm hiểu về định nghĩa ta cũng cần phải biết về bản chất pháp lý của nó. Khi tìm hiểu về bản chất của ĐTM chúng ta có thể xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau.

Xét dưới góc độ quản lý: ĐTM được coi là biện pháp quản lý nhà nước về môi trường.

Xét dưới góc độ khoa học: ĐTM là những nghiên cứu về mối liên hệ, những tác động biện chứng giữa các chính sách, hoạt động phát triển và môi trường.

Xét dưới góc độ là khái niệm pháp lý: ĐTM là hệ thống các quan hệ pháp luật hình thành giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất, thực hiện các chính sách, hoạt động phát triển trong việc khảo sát và đánh giá tác động của các hoạt động phát triển đó đối với các yếu tố của môi trường cũng như các giải pháp giảm thiểu các tác động đó .

Xét ở khía cạnh chủ quan của pháp luật: ĐTM là hệ thống các quy tắc xử sự mà các chủ thể cần phải thực hiện khi tiến hành dự án phát triển có khả năng tác động tới môi trường.

3. Ý nghĩa, vai trò của quá trình đánh giá tác động môi trường

Thứ nhất, ĐTM được cho là công cụ quản lý môi trường quan trọng trong xã hội. Nó giúp các công tác quy hoạch môi trường được diễn ra hiệu quả cơ, giúp các dự án sớm thực thi, giảm thiểu tình trạng gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường trong thời gian dài. Đồng thời, đánh giá tác động môi trường cũng là công cụ gắn kết mối quan hệ giữa Nhà nước, cơ quan chức năng và cộng đồng. Thông qua việc điều tra xã hội học, các đóng góp của cộng đồng sẽ phát hiệu quả cao khi nó là cơ sở để doanh nghiệp đưa ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm. Thông qua các kiến nghị của báo cáo đánh giá tác động môi trường, doanh nghiệp và nhà nước sẽ có các hoạt động thận trọng hơn trong việc xây dựng, thực hiện dự án để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thứ hai, ĐTM giúp huy động được sự đóng góp của đông đảo tầng lớp trong xã hội, giúp bảo vệ môi trường trong thời gian dài. Từ đó, nó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, của chủ dự án và của toàn dân đối với việc bảo vệ môi trường. ĐTM cũng phát huy được tính công khai của việc thu thập thông tin, khảo sát, thực nghiệm, đánh giá nhằm thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường hiệu quả. Trên cơ sở đó, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc tham gia ĐTM giúp doanh nghiệp.

Thứ ba, ĐTM giúp chúng ta xem xét thấu đáo các vấn đề về môi trường đặc biệt là công nghệ xử lý chất thải, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và giám sát môi trường. ĐTM có thể được tiến hành theo nhiều phương án thực hiện dự án, hoạt động phát triển, với những so sánh về lợi hại của các tác động theo những phương án đó. Trên cơ sở đó sẽ kiến nghị việc lựa chọn một phương án phù hợp cả yêu cầu phát triển và BVMT. Chính vì thế ĐTM góp phần chủ động phòng tránh, giảm thiểu một cách hiệu quả nhất các tác động xấu của dự án lên môi trường.

Thứ tư, ĐTM là căn cứ để chủ dự án lựa chọn phương án đầu tư bao gồm vị trí, quy mô, công nghệ, nguyên vật liệu, sản phẩm của dự án một cách phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế và khả thi nhất, đồng thời tiết kiệm tiền của và thời gian cho chủ dự án.

Thứ năm, ĐTM cung cấp thông tin chuẩn xác, tin cậy về những vấn đề môi trường của dự án cho cơ quan thẩm quyền trong việc xem xét ra quyết định đầu tư dự án một cách minh bạch và có tính bền vững cao

Thứ sáu, ĐTM góp phần ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các chủ dự án, các cơ sở. Một trong những nội dung quan trọng của quá trình ĐTM đó là hoạt động giám sát dự án. Hoạt động này giúp cho cơ quan có thẩm quyền xem xét hoạt động của các cơ sở có vi phạm những gì mà họ đã cam kết trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt hay không. Kết quả của ĐTM được thể hiện dưới hình thức văn bản gọi là báo cáo ĐTM. Đây là văn bản quan trọng và sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt sẽ có ý nghĩa rất lớn.

4. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường

Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường được quy định tại điều 30 Luật bảo vệ môi trường 2020, bao gồm:

Thứ nhất, Dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật bảo vệ môi trường 2020)

Thứ hai, Dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ( Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật bảo vệ môi trường 2020).

5. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường

Nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại điều 31 Luật bảo vệ môi trường 2020, bao gồm các nội dung sau:

 (1) Xuất xứ của dự án đầu tư, chủ dự án đầu tư, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư; căn cứ pháp lý, kỹ thuật; phương pháp đánh giá tác động môi trường và phương pháp khác được sử dụng (nếu có);

(2) Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;

(3) Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và hoạt động của dự án đầu tư có khả năng tác động xấu đến môi trường;

(4) Điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, đa dạng sinh học; đánh giá hiện trạng môi trường; nhận dạng các đối tượng bị tác động, yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư; thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án đầu tư;

(5) Nhận dạng, đánh giá, dự báo các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh theo các giai đoạn của dự án đầu tư đến môi trường; quy mô, tính chất của chất thải; tác động đến đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa và yếu tố nhạy cảm khác; tác động do giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư (nếu có); nhận dạng, đánh giá sự cố môi trường có thể xảy ra của dự án đầu tư;

(6) Công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải;

(7) Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác của dự án đầu tư đến môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có); phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có); phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;

(8) Chương trình quản lý và giám sát môi trường;

(9) Kết quả tham vấn;

(10) Kết luận, kiến nghị và cam kết của chủ dự án đầu tư.

6. Các quy định về xử lý vi phạm pháp luật về đánh giá tác động môi trường

Trách nhiệm kỷ luật: Áp dụng chủ yếu đối với những viên chức, công chức nhà nước hay viên chức của các tổ chức xã hội khi họ lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ĐTM. Những cá nhân thuộc đối tượng nêu trên nếu có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ĐTM, ngoài việc phải chịu hình phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại (nếu có) họ còn phải chịu trách nhiệm kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, thuyên chuyển công tác hoặc buộc thôi việc. Việc áp dụng trách nhiệm kỷ luật được thực hiện bởi cơ quan tổ chức nơi có người vi phạm pháp luật trong hoạt động ĐTM đó

Trách nhiệm hành chính: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức xử phạt chính được quy định là cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài phạt tiền, các cơ sở vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng để khắc phục vi phạm ( theo quy định tại điều 11 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường )

Trách nhiệm dân sự: Trách nhiệm dân sự áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ĐTM chủ yếu là trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đây là loại trách nhiệm được đặt ra khi chủ thể vi phạm pháp luật trong hoạt động ĐTM có lỗi và gây hậu quả. Vì thế trách nhiệm dân sự trong lĩnh vực này phải dựa trên cơ sở có hành vi trái pháp luật trong hoạt động ĐTM; có thiệt hại xảy ra trên thực tế, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thiệt hại xảy ra và có lỗi của người vi phạm.

Trách nhiệm hình sự: Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự 2015 chưa có điều luật nào quy định cụ thể tội danh cho hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ĐTM. Tuy nhiên, trong Bộ luật lại có quy định về Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235). Theo tinh thần các điều luật này, có thể hiểu rằng các cá nhân có liên quan trong hoạt động ĐTM khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung cam kết thực hiện trong báo cáo ĐTM, thực hiện hành vi chôn lấp, xả thải ra môi trường trái pháp luật các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự do thực hiện các hành vi này. Mức khung hình phạt cao nhất đối với các tội danh này là phạt tù, ngoài ra cá nhân và thương nhân vi phạm còn có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong một khoảng thời gian.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw liên quan đến các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Xem thêm:

5/5 - (2 bình chọn)