Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất

Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất

Đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia đồng thời là điều kiện cần thiết cho phát triển kinh tế – xã hội. Trong đất đai, việc xác lập quyền sở hữu, chiếm hữu có liên quan chặt chẽ và đóng vai trò chi phối; quyết định đối với việc khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai ruộng đất quốc gia và đặc biệt là xác định những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất. Để hiểu rõ hơn các quy định về bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Ai là người có quyền sử dụng đất?

Theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013; người sử dụng đất gồm những đối tượng sau:

  • Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị; tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;…
  • Hộ gia đình, cá nhân trong nước; đây là người sử dụng đất chủ yếu, phổ biến nhất hiện nay.
  • Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ.
  • Cơ sở tôn giáo gồm: Chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường; niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo.
  • Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự; cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan; hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ.
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập; mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.

2. Cơ sở pháp lý của những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất

Hiến pháp 2013 và Luật đất đai 2013 đã khẳng định rõ một điều đó là: Đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và quản lý.

Trong quan hệ đất đai, Nhà nước tham gia với vai trò là chủ thể đại diện chủ sở hữu và chủ thể quản lý toàn bộ đất đai, có quyền lực xác lập, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ pháp luật đất đai. Bên còn lại với tư cách là chủ thể sử dụng đất bao gồm các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài,… được xác lập quyền sử dụng đất thông qua các hình thức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất.

Qua đó có thể thấy trong quan hệ đất đai thì người sử dụng đất nắm vị thế bị động hơn so với Nhà nước. Do vậy pháp luật đất đai đặt ra quy định về sự bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

3. Những bảo đảm của nhà nước đối với người sử dụng đất

Chính sách của Đảng và Nhà nước ta khi giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân… (gọi chung là người sử dụng đất) là để sử dụng ổn định, lâu dài nhằm làm cho người sử dụng đất yên tâm, gắn bó với đất đai và tạo điều kiện khuyến khích họ đầu tư, bồi bổ, cải tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đã được thể chế hoá trong Luật đất đai năm 1993 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Thực tiễn sử dụng đất trong hơn 20 năm qua ở nước ta đã chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả của chính sách này. Kế thừa và phát huy quy định của Luật đất đai năm 1993 và Luật đất đai năm 2003; Luật đất đai năm 2013 đã khẳng định sự nhất quán trong chính sách giao đất, cho thuê đất sử dụng ổn định, lâu dài của Nhà nước ta thông qua việc đề cập những bảo đảm cho người sử dụng đất. Do đó Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm đối với người sử dụng đất thông qua các hoạt động được quy định cụ thể tại điều 26 Bộ luật đất đai 2013 như sau :

– Bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất;

– Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

– Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật;

– Có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm;

– Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Những bảo đảm này là rất quan trọng, không những hạn chế được các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai do tồn tại lịch sử để lại mà còn đảm bảo sự ổn định lâu dài trong sử dụng đất đai làm cho người sử dụng đất yên tâm gắn bó với đất đai khuyến khích họ đầu tư, bồi bổ cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; Hạn chế đến mức thấp nhất những mặt trái do cơ chế thị trường gây ra trong lĩnh vực đất đai.

4. Nhận xét

Luật Đất đai 2013 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2014. Cho đến nay, Luật đã quy định cụ thể những yêu cầu của Nhà nước đối với người sử dụng đất như: Bảo hộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất; quy định quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi đủ điều kiện, kể cả trường hợp sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 cũng nhấn mạnh đến quyền được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó chú trọng hơn đến vấn đề an sinh xã hội như tái định cư, hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho người có đất bị thu hồi; mở rộng quyền cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất.

Một điều đặc biệt là, Luật Đất đai 2013 đã quy định mở rộng hơn quyền tiếp cận đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, kinh doanh. Với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thì việc áp dụng các quy định về thu hồi đất, hình thức giao đất, cho thuê đất đều bình đẳng như nhau.

Luật đất đai năm 2013 bổ sung và quy định rõ quyền; và nghĩa vụ sử dụng đất của người dân trong vùng quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất ở; đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số; việc cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng; bổ sung quy định chính sách miễn; giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho người nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về bảo đảm của nhà nước đối với người sử dụng đất, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

5/5 - (1 bình chọn)