Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ

Hiện nay, nền kinh tế- xã hội đang phát triển mạnh mẽ nên ngày càng nhiều sản phẩm sở hữu trí tuệ được ra đời. Đi kèm với thực tế đó là hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh cũng dần phổ biến. Cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ là một trong các dạng hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để nhìn nhận rõ hơn, Luật Phamlaw xin được trao đổi một vài quan điểm như sau:

Hanh Vi Canh Tranh Khong Lanh Manh Trong So Huu Tri Tue
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ

1. Hiểu thế nào về cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được định nghĩa tại khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018, cụ thể: Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác. Đây là định nghĩa của hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung.

Về bản chất pháp luật hiện hành chỉ quy định những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp nên có thể hiểu hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu công nghiệp.

2. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ

Theo khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019 có thể thấy, quyền chống cạnh tanh không lành mạnh là một bộ phận của quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời, theo Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định có bảy hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Trong khi đó Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019 quy định có bốn hành vi như sau:

  • Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ.
  • Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
  • Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.
  • Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

Theo đó có thể thấy, không phải mọi hành vi cạnh tranh không lành mạnh đều là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ, mà chỉ có hành vi cạnh tranh không lành mạnh với các đối tượng sở hữu công nghiệp mới là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ. Vì vậy những hành vi cạnh tranh không lành mạnh không ảnh hưởng đến đối tượng quyền sở hữu công nghiệp thì chỉ coi là hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh.

3. Xử lý khi có hành vi vi phạm

Khoản 3 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019 có quy định: Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật này và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Theo đó, khi có hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì sẽ bị xử lý theo biện pháp dân sự và biện pháp hành chính.

Biện pháp dân sự được Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 quy định tại Điều 202, cụ thể bao gồm:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
  • Buộc bồi thường thiệt hại.
  • Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Biện pháp hành chính được áp dụng trong trường hợp nêu trên là các mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh (khoản 3 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019).

Xem thêm: >>> Tranh chấp và xử phạt khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Hỗ trợ tư vấn qua tổng đài 1900 – Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508

—————-

Phòng thủ tục hành chính – Luật Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)