Quy định về công ty đối nhân
Công ty đối nhân là gì?
Trải qua nhiều năm tồn tại và phát triển, các nhà kinh doanh đã sáng tạo ra các loại hình công ty khác nhau, có những loại hiện vẫn tồn tại và phát triển, có những loại không phát triển và có xu hướng mất dần. Có nhiều căn cứ để phân loại công ty, nếu căn cứ vào tính chất liên kết, chế độ trách nhiệm của thành viên công ty và ý chí của nhà lập pháp, dưới góc độ pháp lí người ta chia công ty thành hai loại cơ bản là công ty đối nhân và công ty đối vốn. Vậy Quy định về công ty đối nhân như thế nào? Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.
Công ty đối nhân là những công ty mà việc thành lập dựa trên sự liên kết chặt chẽ bởi độ tin cậy về nhân thân của các thành viên, các thành viên có quan hệ gần gũi, tin tưởng nhau mà lập ra “góp danh”, sự hùn vốn là yếu tố thứ yếu. Công ty đối nhân có đặc điểm quan trọng là không có sự tách bạch về tài sản cá nhân các thành viên và tài sản của công ty. Các thành viên liên đới chịu trách nhiệm vô hạn đối với mọi khoản nợ của công ty hoặc ít nhất phải có một thành viên chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của công ti. Các thành viên có tư cách thương gia độc lập và chịu thuế thu nhập cá nhân, bản thân công ty không bị đánh thuế.
Về phương diện kinh tế, các công ty đối nhân do tính liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên nên họ có thể được các ngân hàng dễ dàng cho vay vốn. Mặt khác, do tính liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên các công ty đối nhân thường không đầu tư vào khu vực có nhiều rủi ro, trong thực tế công ty đối nhân thường hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đòi hỏi độ tin cậy giữa các thành viên, trình độ chuyên môn cao như: dịch vụ pháp lí, kiểm toán, kiến trúc, giám định…
Về phương diện pháp lý, công ty đối nhân là loại hình công ty trong đó các thành viên có quan hệ gắn bó, hiểu biết và tin tưởng nhau do đó pháp luật rất ít quy định bắt buộc đối với họ.
Công ty đối nhân thường tồn tại dưới hai dạng cơ bản: Công ti hợp danh và Công ti hợp vốn đơn giản.
1. Công ti hợp danh
Công ti hợp danh là loại hình công ti, trong đó các thành viên cùng nhau tiến hành hoạt động thương mại dưới một hãng chung và cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của công ti. Công ti hợp danh hay còn gọi là công ti góp danh là loại hình đặc trưng của công ti đối nhân. Xét về mặt lịch sử thì công ti hợp danh ra đời sớm nhất, bởi lẽ khi con người biết hành nghề thương mại thì có lẽ lúc ban đầu họ kinh doanh đơn lẻ (từng cá nhân). Sau này do nhu cầu kinh doanh cần phải liên kết thì họ phải lựa chọn những người thân, quen và phải thật tin tưởng để cùng nhau kinh doanh.
Trên thực tế, công ti này được thành lập trong dòng họ gia đình. Do tính chất liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên các thành viên phải thật sự hiểu biết nhau, tin tưởng nhau “sống chết có nhau”. Điều đó phản ánh tâm lý của các nhà kinh doanh khi hùn vốn với nhau để kinh doanh. Các nhà kinh doanh ưa thích mô hình hợp danh hơn là kinh doanh đơn độc theo mô hình cá nhân kinh doanh.
Việc thành lập công ti dựa trên cơ sở hợp đồng giữa các thành viên. Hợp đồng thành lập công ti nói chung được lập thành văn bản, tuy nhiên, luật không bắt buộc phải làm như vậy. Các bên có thể thỏa thuận miệng, thậm chí không cần tuyên bố rõ, mà chỉ cần có những hoạt động thương mại chung thì công ty cũng được coi là đã thành lập. Về nguyên tắc, hợp đồng thành lập phải được đăng kí vào danh bạ thương mại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hợp đồng tuy không được đăng kí nhưng được thông báo rộng rãi thì vẫn có giá trị pháp lí.
Trong hợp đồng, điều quan trọng là sự thỏa thuận về trách nhiệm của các thành viên. Một công ti hợp danh được thành lập nếu ít nhất có hai thành viên thỏa thuận với nhau cùng chịu trách nhiệm liên đới vô hạn đối với mọi khoản nợ của công ti.
Công ty hợp danh có một số đặc trưng sau:
Thứ nhất, cũng như đặc tính chung của các công ti đối nhân, mỗi thành viên trong công ti hợp danh đều có phần của mình trong công ti gọi là phần lợi. Phần của mỗi người tương ứng với phần vốn góp của họ vào công ti. Phần vốn góp của các thành viên có thể bằng nhau hoặc không bằng nhau và có đặc tính là không được tự do chuyển nhượng.
Thứ hai, Công ty hợp danh phải hoạt động dưới một hãng chung, mặc dù vậy các thành viên đều có tư cách thương nhân. Các thành viên kết hợp cái “danh tính” của mình thành ra hội danh tức là cái danh tính của công ty. Vì vậy, các thành viên phải có năng lực cần thiết, các thành viên phải ghi tên vào danh bạ thương mại. Khi công ti bị phá sản thì các thành viên cũng bị phá sản thương nhân.
Thứ ba, trong công ti hợp danh, các thành viên chịu trách nhiệm bản thân, liên đới vô hạn về mọi khoản nợ của công ti. Điều đó được thể hiện như sau:
– Các thành viên chịu trách nhiệm một cách trực tiếp, cơ bản, Điều vì chủ nợ có quyền đòi bất kì ai với toàn bộ số tiền nợ.
– Trách nhiệm này không thể bị giới hạn đối với bất kì thành viên nào. Nếu họ có thỏa thuận khác, lập tức công ty sẽ chuyển sang loại hình công ti hợp vốn đơn giản.
– Trong công ti hợp danh không có sự phân biệt rõ ràng giữa tài sản công ti và tài sản cá nhân. Sự chuyển dịch quyền sở hữu đối với khối tài sản chung sang tài sản riêng rất đơn giản và nói chung khó kiểm soát. Về nguyên tắc, ngay khi một thành viên chưa được hưởng chút lợi nhuận nào thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, khả năng rủi ro và nguy hiểm đối với từng thành viên là rất lớn.
Tuy nhiên, lợi thế của công ti này là khả năng dễ dàng được ngân hàng cho vay vốn hoặc hoãn nợ, bởi tính chịu trách nhiệm vô hạn đã là sự bảo đảm. Do tính an toàn pháp lí đối với công chúng cao nên công ti hợp danh chịu ít quy định pháp lí ràng buộc, pháp luật dành quyền rộng rãi cho các thành viên thỏa thuận, quy định ràng buộc duy nhất là tính chịu trách nhiệm vô hạn. Về tổ chức, công ty hợp danh rất đơn giản. Các thành viên có hạn quyền thỏa thuận trong hợp đồng về việc tổ chức, điều hành, đại diện của công ti. Công ty hợp danh được tổ chức dưới hình thức một hãng chung. Hãng này thường mang tên một thành viên hoặc tất cả thành viên.
Hầu hết pháp luật các nước đều quy định công ti hợp danh không có tư cách pháp nhân (Luật Doanh nghiệp năm 2020 của Việt Nam quy định công ti hợp danh có tư cách pháp nhân tại Khoản 2 Điều 177). Dưới hình thức một hãng, công ti hợp danh có tư cách thương gia độc lập, mỗi thành viên hợp danh vẫn có tư cách thương gia riêng, các thành viên kết hợp danh tính của mình mà thành ra “hội danh” tức là cái danh tính của công ti.
Các thành viên có thể cùng nhau điều hành và đại diện cho công ti hoặc thỏa thuận phân công trách nhiệm về quyền đại diện cho từng người. Vấn đề góp vốn, luật không quy định vốn tối thiểu các bên có quyền thỏa thuận các hình thức góp vốn bằng tiền, hiện vật, các bản quyền…) thậm chí “vốn góp” chỉ là uy tín kinh doanh của cá nhân. Trong công ti hợp danh, việc thay đổi thành viên là rất khó khăn, chỉ cần một thành viên chết, xin ra khỏi công ti là lí do khăn quan trọng để công ty giải thể, điều đó được lí giải bởi bản chất đối nhân của loại công ti này.
2. Công ti hợp vốn đơn giản
Công ti hợp vốn đơn giản là loại hình công ti có ít nhất một thành viên chịu trách nhiệm vô hạn (thành viên nhận vốn), còn những thành viên khác chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào công ti (thành viên góp vốn).
Công tổ hợp vốn đơn giản về cơ bản giống công ti hợp danh, điểm khác biệt cơ bản so với công ti hợp danh là công ti hợp vốn đơn giản có 2 loại thành viên với những địa vị pháp lý khác nhau.
– Thành viên nhận vốn (hay còn gọi là thành viên quản trị) là người quản lý, sử dụng vốn, người trực tiếp điều hành các hoạt động của công ti. Thành viên này chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của công ti, có quyền quản trị công ty, đại diện cho công ti trong các quan hệ đối ngoại, thành viên nhận vốn chỉ là cái nhân. Họ có quyền lấy tên của mình để đặt tên cho công ty, bởi họ là thương nhân.
– Thành viên góp vốn là người bỏ vốn ra cho công ti kinh doanh với mong muốn được chia lợi nhuận. Thông thường, tên của các thành viên góp vốn cũng không công khai trong danh bạ thương mại của công ti mà chỉ có trong hợp đồng thành lập công ti, họ không có tư cách thương nhân. Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp của mình vào công ti. Việc góp vốn của thành viên này chủ yếu là bằng tiền mặt, tuy nhiên họ cũng có thể góp vốn bằng tài sản hiện vật nhưng không thể góp vốn bằng các giá trị tinh thần như uy tín trong kinh doanh, công lao… Loại vốn góp này chỉ dành cho các thành viên chịu trách nhiệm vô hạn mà thôi.
Thành viên góp vốn không có quyền đại diện cho công ti trong các quan hệ đối ngoại, nếu họ đứng ra thay mặt công ty thực hiện các giao dịch thì sẽ mất quyền hưởng TNHH. Thành viên góp vốn chỉ có quyền trong quan hệ nội bộ của công ti. Tên hãng của công ti hợp vốn đơn giản cũng chỉ ghi tên của thành viên nhận vốn. Sự ra đời của công ti hợp vốn đơn giản đã đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư, một khi họ không muốn vào công ty hợp danh do tính chịu trách nhiệm vô hạn của tất cả các thành viên.
Theo các nhà nghiên cứu về công ti thì công ti hợp vốn đơn giản có mầm mống từ thời Trung cổ và thịnh hành nhất ở Italia do sự phát triển của thương mại hàng hải. Ở Pháp, từ năm 1673 đã có luật lệ quy định về công ti này. Theo đó, khi thành lập công ti, bắt buộc các đương sự phải làm hợp đồng viết, trong đó phải phân biệt rõ tư cách thành viên “thủ tư” (người nhận vốn) và thành viên “xuất tư” (người góp vốn). Sự phân biệt này là bắt buộc để các đối tác của công ti không bị nhầm lẫn về trách nhiệm giữa hai loại thành viên.
Sự ra đời của loại hình công ti này cũng rất thú vị, thoạt tiên là để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp giàu có trong xã hội (giới quý tộc) như: Tầng lớp quý tộc, quan tòa, thầy tu, những người có địa vị cao trong xã hội muốn bỏ tiền ra kinh doanh kiếm lời nhưng không muốn xuất đầu, lộ diện trước công chúng với tư cách là một thương nhân. Những người này vì địa vị xã hội cao quý, vì quy chế nghề nghiệp không cho phép họ hành nghề thương mại. Bên cạnh đó có một lí do nữa là có những người không muốn vào công ty hợp danh do tính chịu trách nhiệm liên đới vô hạn của các thành viên.
Công ti hợp vốn đơn giản đã từng một thời “vang bóng” cùng với công ti hợp danh, đã góp phần đáp ứng nhu cầu cho nhiều người có tài kinh doanh nhưng lại ít vốn, những người có nhiều tiền nhưng lại không có điều kiện để trực tiếp kinh doanh.
Công ty hợp vốn đơn giản ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác có hiệu quả giữa các tầng lớp người trong xã hội. Ngày nay, cùng với sự phát triển của thương mại và sự xuất hiện của CTCP, thì loại công ty này đang dần bị quên lãng. Liệu đó có phải là lí do mà các nhà lập pháp Việt Nam không quy định loại hình công ty này trong Luật Doanh nghiệp, mặc dù có rất nhiều hội thảo, rất nhiều công trình khoa học, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ… “tụng ca” về công ti hợp vốn đơn giản. Các nhà khoa học thường có cách tư duy lãng mạn để sáng tạo, còn các nhà lập pháp, họ có cách nhìn thực tế.
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về công ty hợp danh, nhưng lại quy định trong công ti hợp danh có thể có thành viên góp vốn. Như vậy, trên thực tế có thể có công ty hợp danh chỉ có một loại thành viên hợp danh. Có công ti hợp danh vừa có thành viên hợp danh vừa có thành viên góp vốn mà khoa học pháp lí gọi là công ti hợp vốn đơn giản.
Trên đây là bài viết về Quy định về công ty đối nhân? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.
Quy định về công ty đối nhân – Luật Phamlaw