Câu hỏi: Nghĩa vụ của bên đại diện trong đại diện thương mại
Công ty tôi là công ty cổ phần, chuyên sản xuất các thiết bị điện tử nội địa bao gồm các mặt hàng: điện thoại di động, ti vi, các loại đồ điện dân dụng khác… Công ty tôi đang có ý định ủy quyền cho công ty khác tổ chức thực hiện chuỗi cửa hàng bảo hành chính hãng cho sản phẩm điện thoại di động ở ba trung tâm lớn của cả nước là Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tôi có một số băn khoăn mong được Phamlaw tư vấn như sau:
1/ Công ty được chúng tôi ủy quyền có được phép nhận bảo hành điện thoại di động do các công ty khác ủy quyền hay không?
2/ Trong trường hợp do việc bảo hành không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại cho khách hàng thì công ty tôi hay công ty được ủy quyền sẽ phải chịu trách nhiệm?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về hộp thư tư vấn của Phamlaw. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
1/ Điều 145 Luật thương mại năm 2005 về nghĩa vụ của bên đại diện như sau:
“Điều 145. Nghĩa vụ của bên đại diện
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại diện có các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và vì lợi ích của bên giao đại diện;
- Thông báo cho bên giao đại diện về cơ hội và kết quả thực hiện các hoạt động thương mại đã được uỷ quyền;
- Tuân thủ chỉ dẫn của bên giao đại diện nếu chỉ dẫn đó không vi phạm quy định của pháp luật;
- Không được thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa của mình hoặc của người thứ ba trong phạm vi đại diện;
- Không được tiết lộ hoặc cung cấp cho người khác các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại của bên giao đại diện trong thời gian làm đại diện và trong thời hạn hai năm, kể từ khi chấm dứt hợp đồng đại diện;
- Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hoạt động đại diện.”
Do đó nếu công ty bạn và công ty được ủy quyền kia (tạm gọi là công ty A) không có thỏa thuận về việc công ty A chỉ làm đại diện cho công ty bạn thì công ty A vẫn có quyền nhận làm đại diện cho các công ty khác. Tuy nhiên, trong trường hợp công ty A nhận làm đại diện cho nhiều bên nhưng trong phạm vi được ủy quyền từ công ty bạn, công ty A không được thực hiện các công việc với danh nghĩa và vì lợi tích của các chủ thể khác.
Do đó, trong trường hợp công ty bạn muốn công ty A chỉ được đại diện cho công ty của bạn thì công ty của bạn có thể thỏa thuận với công ty A và ghi rõ thỏa thuận này trong hợp đồng ủy quyền. Như vậy, công ty A sẽ chỉ được phép làm đại diện cho công ty của bạn, thực hiện việc bảo hành sản phẩm điện thoại với danh nghĩa của công ty của bạn.
2/ Do công ty A chỉ là đại diện theo ủy quyền thực hiện công việc bảo hành sản phẩm điện thoại cho khách hàng của công ty bạn nên về nguyên tắc, công ty của bạn sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm với khách hàng về chất lượng bảo hành. Tuy nhiên, do việc bảo hành sản phẩm của công ty A không đảm bảo chất lượng dẫn đến gây thiệt hại cho khách hàng nên công ty của bạn có thể phân định trách nhiệm của công ty A theo hợp đồng ủy quyền.
Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng:
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có không đảm bảo chất lượng do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng được quy định cụ thể tại điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, theo đó tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có không đảm bảo chất lượng do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Và cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh phải bồi thường ngay kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh hàng hóa, sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn quy định việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015. Như vậy, để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người tiêu dùng phải có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm, thiệt hại xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại.
Tuy nhiên, người tiêu dùng rơi vào vị thế yếu hơn so với các nhà sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, người tiêu dùng khó có cơ hội để tiếp cận với các thông tin về quy trình sản xuất nên việc chứng minh hành vi vi phạm là điều rất khó. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định người tiêu dùng không chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà việc chứng minh không có lỗi thuộc về các nhà sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng chỉ phải chứng minh sự tồn tại của hàng hóa, sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Quy định này làm giảm nghĩa vụ chứng minh của người tiêu dùng, giúp cho người tiêu dùng có nhiều lợi thế hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn có liên quan đến “Nghĩa vụ của bên đại diện trong đại diện thương mại”. Nếu bạn còn điều gì thắc mắc muốn được tư vấn thêm hoặc cần chúng tôi thực hiện các thủ tục pháp lý, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0973938866 hoặc qua tổng đài 19006284.
Xin trân trọng cảm ơn!