Giấy chứng nhận cam kết môi trường
Ngày 17 tháng 11 năm 2020, Quốc Hội đã thông qua Luật Bảo Vệ Môi Trường mới (Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020) sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022 và thay thế Luật Bảo Vệ Môi Trường cũ năm 2014. Bởi vậy, đối với vấn đề Cam kết bảo vệ môi trường được quy định trong Luật Bảo Vệ Môi Trường 2005 đã được Luật Bảo Vệ Môi Trường 2014 đổi thành Kế hoạch Bảo vệ môi trường và tiếp tục được chuyển thành Đăng ký môi trường theo quy định của Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020. Dưới đây, Luật Phamlaw sẽ hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục đăng ký môi trường theo quy định pháp luật mới nhất để Quý khách hàng có thể tham khảo.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật bảo vệ môi trường 2020
Thông tư 02/2022/TT-BTNMT
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Đăng ký môi trường là gì?
Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2020, Đăng ký môi trường là việc chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước các nội dung liên quan đến xả chất thải và biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (sau đây gọi chung là dự án đầu tư, cơ sở).
2. Đặc điểm của đăng ký môi trường
Thứ nhất, Đối tượng phải đăng ký môi trường: Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Thứ hai, Chủ thể tiếp nhận việc đăng ký: Cơ quan quản lý nhà nước (UBND cấp xã)
Thứ ba, Nội dung đăng ký môi trường: liên quan đến xả chất thải và biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở bao gồm hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.
Thứ tư, Thời điểm đăng ký môi trường: Đăng ký môi trường được lập và trình phê duyệt trước khi triển khai xây dựng hoặc vận hành sản xuất
3. Vai trò của đăng ký môi trường
Thứ nhất, Giúp cho các dự án không có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường tránh được các thủ tục hành chính rườm rà.
Thứ hai, Đảm bảo hoạt động sản xuất – kinh doanh tuân thủ đúng quy định pháp luật về môi trường
Thứ ba, Phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải, đảm bảo xu hướng phát triển bền vững về kinh tế – môi trường
Thứ tư, Bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và cũng hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
4. Đối tượng phải đăng ký môi trường
Theo quy định tại khoản 1 điều 49 Luật bảo vệ môi trường 2020, đối tượng phải đăng ký môi trường bao gồm:
– Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường: Dự án đầu tư nhóm IV
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.
5. Phân loại các dự án đầu tư
Căn cứ tiêu chí về môi trường quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật bảo vệ môi trường 2020, dự án đầu tư được phân thành nhóm I, II, III và IV.
5.1 Dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, bao gồm:
– Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
– Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
– Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
– Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
– Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
– Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.
5.2 Dự án đầu tư nhóm II là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, trừ dự án quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật bảo vệ môi trường 2020, bao gồm:
– Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình;
– Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
– Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình hoặc với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
– Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình hoặc với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
– Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
– Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình.
5.3 Dự án đầu tư nhóm III là dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, trừ dự án quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 28 Luật bảo vệ môi trường 2020, bao gồm:
– Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất nhỏ;
– Dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có phát sinh nước thải, bụi, khí thải phải được xử lý hoặc có phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải.
5.4. Dự án đầu tư nhóm IV là dự án không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, gồm dự án không thuộc quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 28 Luật bảo vệ môi trường 2020.
6. Thời điểm đăng ký môi trường
Theo quy định tại khoản 6 điều 49 Luật bảo vệ môi trường 2020, thời điểm đăng ký môi trường được quy định như sau:
– Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường và thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải đăng ký môi trường trước khi vận hành chính thức.
– Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường nhưng không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải đăng ký môi trường trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trước khi xả chất thải ra môi trường đối với trường hợp không phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường phải đăng ký môi trường trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành.
7. Trình tự, thủ tục đăng ký môi trường
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký môi trường
Căn cứ theo khoản 4 điều 49 Luật bảo vệ môi trường 2020, nội dung đăng ký môi trường bao gồm:
– Thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở;
– Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; công nghệ, công suất, sản phẩm; nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất sử dụng (nếu có);
– Loại và khối lượng chất thải phát sinh;
– Phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải theo quy định pháp luật
– Cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
Lưu ý: Nội dung đăng ký môi trường sẽ triển khai theo mẫu số 47 của Phụ lục II tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT
Bước 2 : Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ đăng ký môi trường, cá nhân/tổ chức nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án. Căn cứ theo khoản 7 điều 49 Luật bảo vệ môi trường 2020, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:
– Tiếp nhận đăng ký môi trường;
– Kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật;
– Hướng dẫn và giải quyết kiến nghị về bảo vệ môi trường đối với nội dung đã được tổ chức, cá nhân đăng ký môi trường;
– Cập nhật dữ liệu về đăng ký môi trường vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về giấy chứng nhận cam kết môi trường, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.