Hướng dẫn đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá

Hướng dẫn đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá

Tổ chức, cá nhân khi đưa sản phẩm của mình ra thị trường thì điều cần quan tâm là quy chế pháp lý và thị hiếu của người tiêu dùng về sản phẩm đó như thế nào. Nền kinh tế càng phát triển thì sự cạnh tranh giữa các tổ chức, cá nhân cũng sẽ ngày càng tăng. Để sản phẩm trụ vững trong thị trường tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân phải tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách trước khi sản phẩm đến được tay khách hàng thì sản phẩm đó phải đảm bảo phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng. Điều này là rất quan trọng. Vậy nên việc đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nên là bước đầu tiên mà tổ chức, cá nhân cần thực hiện để đưa sản phẩm ra thị trường.

Huong Dan Dang Ky Tieu Chuan Chat Luong Hang Hoa
Hướng dẫn đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá

I. Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa là gì?

Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm bao gồm công bố hợp chuẩn và công bố hợp quy. Những hoạt động này được quy đinh tại Điều 14 Nghị định 127/2007/NĐ-CP, cụ thể:

– Công bố hợp chuẩn là hoạt động tự nguyện. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khi công bố sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng đăng ký bản công bố hợp chuẩn tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh.

– Công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải công bố hợp quy theo quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Khi công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải đăng ký bản công bố hợp quy tại sở chuyên ngành tương ứng tại địa phương nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh.

II. Hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa

Tùy từng hoạt động đăng ký mà yêu câu về hồ sơ đăng ký lại khác nhau, cụ thể:

1. Hồ sơ công bố hợp chuẩn

Đối với hoạt động công bố hợp chuẩn, hồ sơ đăng ký sẽ phụ thuộc vào hai trường hợp sau:

Trường hợp 1. Trường hợp công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn của tổ chức chứng nhận đã đăng ký (bên thứ ba), hồ sơ công bố hợp chuẩn gồm:

– Bản công bố hợp chuẩn (theo Mẫu 2. CBHC/HQ quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN).

– Bản sao y bản chính giấy tờ chứng minh về việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn (Giấy đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định thành lập hoặc Giấy tờ khác theo quy định của pháp luật).

– Bản sao y bản chính tiêu chuẩn sử dụng làm căn cứ để công bố.

– Bản sao y bản chính Giấy chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp kèm theo mẫu dấu hợp chuẩn.

Trường hợp 2. Trường hợp công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (bên thứ nhất), hồ sơ công bố hợp chuẩn gồm:

– Bản công bố hợp chuẩn (theo Mẫu 2. CBHC/HQ quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN).

– Bản sao y bản chính giấy tờ chứng minh về việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn (Giấy đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định thành lập hoặc Giấy tờ khác theo quy định của pháp luật).

– Bản sao y bản chính tiêu chuẩn sử dụng làm căn cứ để công bố.

– Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn chưa được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì hồ sơ công bố hợp của tổ chức, cá nhân phải có quy trình sản xuất kèm theo kế hoạch kiểm soát chất lượng được xây dựng, áp dụng (theo Mẫu 1. KHKSCL quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN) và kế hoạch giám sát hệ thống quản lý.

– Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì hồ sơ công bố hợp của tổ chức, cá nhân phải có bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý còn hiệu lực.

– Báo cáo đánh giá hợp chuẩn (theo Mẫu 5. BCĐG quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN) kèm theo bản sao y bản chính Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ công bố hợp chuẩn của tổ chức thử nghiệm đã đăng ký.

2. Hồ sơ công bố hợp quy

Đối với hoạt động công bố hợp quy, hồ sơ đăng ký sẽ phụ thuộc vào hai trường hợp sau:

Trường hợp 1. Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân (bên thứ nhất), hồ sơ công bố hợp quy bao gồm:

– Bản công bố hợp quy (theo Mẫu 2. CBHC/HQ quy định tại Phụ lục III Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và nội dung bổ sung quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN).

– Báo cáo tự đánh giá gồm các thông tin sau: Tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ; điện thoại, fax; tên sản phẩm, hàng hóa; số hiệu quy chuẩn kỹ thuật; kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật; cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết quả tự đánh giá.

Trường hợp 2. Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba), hồ sơ công bố hợp quy bao gồm:

– Bản công bố hợp quy (theo Mẫu 2. CBHC/HQ quy định tại Phụ lục III Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và nội dung bổ sung quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN).

– Bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng kèm theo mẫu dấu hợp quy do tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp cho tổ chức, cá nhân.

III. Thủ tục đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa

Giống như hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, đối với mối loại hoạt động thì thủ tục thực hiện lại khác nhau:

1. Thủ tục công bố hợp chuẩn

Việc công bố hợp chuẩn được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1. Đánh giá sự phù hợp đối tượng của công bố hợp chuẩn với tiêu chuẩn tương ứng.

– Việc đánh giá hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký (bên thứ ba) hoặc do tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn (bên thứ nhất) thực hiện. Việc đánh giá hợp chuẩn được thực hiện theo phương thức đánh giá sự phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư 28/2012/TT-BKHCN.

– Kết quả đánh giá hợp chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN là căn cứ để tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn.

Bước 2. Đăng ký hồ sơ công bố hợp chuẩn

Tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn nộp hồ sơ công bố hợp chuẩn tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân sản xuất đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh (sau đây viết tắt là Chi cục).

Bước 3. Xử lý hồ sơ công bố hợp chuẩn

– Đối với hồ sơ công bố hợp chuẩn không đầy đủ: trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp chuẩn, Chi cục thông báo bằng văn bản đề nghị bổ sung các loại giấy tờ còn thiếu. Sau thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Chi cục gửi văn bản đề nghị mà hồ sơ công bố hợp chuẩn không được bổ sung đầy đủ theo quy định, Chi cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.

– Đối với hồ sơ công bố hợp chuẩn đầy đủ: trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp chuẩn, Chi cục phải tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.

+ Nếu hồ sơ không hợp lệ: Chi cục thông báo bằng văn bản cho cho tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn về lý do không tiếp nhận hồ sơ.

+ Nếu hồ sơ hợp lệ: Chi cục ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn cho tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn (theo Mẫu 3. TBTNHS quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN). Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn có giá trị theo giá trị của giấy chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp hoặc có giá trị 03 (ba) năm kể từ ngày lãnh đạo tổ chức, cá nhân ký xác nhận báo cáo đánh giá hợp chuẩn (đối với trường hợp tổ chức, cá nhân tự đánh giá hợp chuẩn).

2. Thủ tục công bố hợp quy

Thủ tục công bố hợp quy được thực hiện phụ thuộc vào các trường hợp công bố hợp quy, bao gồm:

– Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá.

– Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận.

– Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận được chỉ định.

Nhưng tựu chung lại thủ tục công bố hợp quy được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1. Nộp hồ sơ công bố hợp quy

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ công bố hợp quy cho cơ quan chuyên ngành.

Bước 2. Xử lý hồ sơ công bố hợp quy

Cơ quan chuyên ngành xử lý hồ sơ công bố hợp quy cụ thể như sau:

– Đối với hồ sơ công bố hợp quy không đầy đủ: trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, cơ quan chuyên ngành thông báo bằng văn bản đề nghị bổ sung các loại giấy tờ còn thiếu. Sau thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan chuyên ngành gửi văn bản đề nghị mà hồ sơ công bố hợp quy không được bổ sung đầy đủ theo quy định, cơ quan chuyên ngành có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.

– Đối với hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ: trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, cơ quan chuyên ngành tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ công bố hợp quy:

+ Trường hợp hồ sơ công bố hợp quy hợp lệ: cơ quan chuyên ngành ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy theo Mẫu 3. TBTNHS quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN. Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hơp quy có giá trị theo giá trị của giấy chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp hoặc có giá trị ba (03) năm kể từ ngày lãnh đạo tổ chức, cá nhân ký xác nhận báo cáo đánh giá hợp quy (đối với trường hợp tổ chức, cá nhân tự đánh giá hợp quy);

+ Trường hợp hồ sơ công bố hợp quy không hợp lệ: cơ quan chuyên ngành thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy về lý do không tiếp nhận hồ sơ.

3. Căn cứ pháp lý

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 sửa đổi bổ sung năm 2018.

Nghị định số 127/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Nghị định số 78/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP.

Thông tư 28/2012/TT-BKHCN Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Thông tư 02/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.

Trên đây là nội dung tư vấn Hướng dẫn đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá theo quy định mới nhất. Quý khách hỗ trợ tư vấn kết nối tổng đài 1900 của chúng tôi. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm: >>> Tra cứu và đăng ký nhãn hiệu tập thể tại Cục sở hữu trí tuệ

————————

Tổng đài tư vấn 1900 – Hỗ trợ dịch vụ 097 393 8866 hoặc 091 611 0508

 

5/5 - (1 bình chọn)