Hạn chế của chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng

Hạn chế của chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng

Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, được biết Quý luật sư có tư vấn rất nhiều về lĩnh vực doanh nghiệp, kính mong Quý luật sư làm rõ giúp tôi về một số vướng mắc sau: Công ty chúng tôi là công ty TNHH một thành viên, vừa mới thành lập vào tháng 12/2016. Hiện tại công ty tôi có nhu cầu đặt hàng may mặc tại một xưởng may và đang tiến hành ký hợp đồng với bên xưởng may này. Trong nội dung của hợp đồng, tôi muốn có sự ràng buộc về trách nhiệm hoàn thành công việc đúng theo thỏa thuận của bên xưởng may và muốn có điều kiện để xử lý trường hợp bên xưởng may không thực hiện đúng theo yêu cầu của bên tôi như đã thỏa thuận. Qua tham khảo nhiều ý kiến thì họ đều khuyên tôi nên sử dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng là có lợi nhất cho công ty. Vậy Quý luật sư có thể chỉ ra giúp tôi chế tài này có hạn chế gì không, nếu có thì hạn chế này có thể gây ảnh hưởng gì cho công ty tôi? Kính mong được Quý luật sư giải đáp thắc mắc.

Trân trọng cảm ơn!

(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của Phamlaw).

Hạn chế của chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng
Hạn chế của chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Nền kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay được thiết lập dựa trên nền tảng pháp lý quyền tự do kinh doanh trong quan hệ thương mại mà phương thức hình thành chủ yếu là thông qua các quan hệ hợp đồng. Các quan hệ hợp đồng trong thương mại cũng vì thế mà trở nên đã dạng và phức tạp hơn. Chính vì vậy các hành vi vi phạm hợp đồng cũng xảy ra ngày một nhiều hơn. Để đảm bảo các cam kết đã xác lập được thực hiện đúng thỏa thuận hoặc đền bù những tổn thất cho bên bị thiệt hại, Nhà nước đã ban hành các quy định pháp luật về chế tài thương mại. Trong đó chế tài “buộc thực hiện đúng hợp đồng” được đánh giá là chế tài mang tính mềm dẻo, thiện chí và hiệu quả nhưng bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Theo định nghĩa tại Khoản 1 Điều 297 Luật thương mại 2005 thì “Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh”. Căn cứ để áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng là có hành vi vi phạm hợp đồng và có lỗi của bên vi phạm.

Điểm hạn chế đầu tiên có thể thấy ở chế tài thương mại này, đó là quy định tại Khoản 2 Điều 299 Luật thương mại 2005. Điều luật này quy định “trường hợp bên vi phạm không thực hiện buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên vi phạm được áp dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”. Như vậy, khi bên vi phạm không thực hiện được chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng thì chỉ phải chịu hình thức chế tài khác mà không phải chịu bất kỳ trách nhiệm bổ sung nào. Đây là một điểm không chặt chẽ trong quy định của pháp luật dẫn đến trên thực tế có nhiều chủ thể lợi dụng kẽ hở này trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Mặt khác, cũng tại quy định của Luật thương mại 2005 có sự mâu thuẫn như sau:

Tại khoản 1 Điều 199 có quy định: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng chế tài khác”. Các hình thức chế tài khác trong Luật thương mại 2005 chính là tạm ngừng thực hiện hợp đồng đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 51 của Luật này lại quy định như sau: “bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó”. Theo điều luật này thì việc ngừng thanh toán chính là tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Như vậy trong trường hợp này bên mua có thể cùng lúc áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng và chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng. Đây chính là điểm mâu thuẫn giữa quy định tại khoản 1 Điều 299 và khoản 2 Điều 299 Luật thương mại 2005.

Qua thực tế áp dụng, chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng đã thể hiện nhiều ưu điểm cũng như bộc lộ một số nhược điểm. Cần tìm ra phương pháp khắc phục những hạn chế để giúp cho chế tài thương mại này trở nên phù hợp và chặt chẽ hơn trong thực tế áp dụng. Vì vậy, nếu Quý khách muốn sử dụng chế tài này làm điều kiện để ràng buộc trách nhiệm của bên xưởng may trong hợp đồng thì cần tìm hiểu kỹ về các quy định của pháp luật cũng như căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh của công ty mình để đưa ra được quyết định đúng đắn, tránh những hậu quả không đáng có sau này.

Trên đây ý kiến tư vấn về vấn đề Hạn chế của chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng mà PHAMLAW đưa ra cho Quý khách theo quy định Luật Thương mại 2005. Nếu Quý khách còn vướng mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật chuyên sâu của PHAMLAW qua đầu số hotline 1900. Để sử dụng dịch vụ tư vấn hợp đồng hoặc soạn thảo hợp đồng, Quý khách hàng vui lòng kết nối tới Số hotline: 0973938866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

——————————-

Bộ phận tư vấn pháp lý chuyên sâu – Phamlaw

 > Xem thêm:

 

5/5 - (1 bình chọn)