Phamlaw xin được tư vấn về đối tượng, mức đóng, phương thức và trách nhiệm đóng BHYT:
– Đóng hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công, trong đó chủ sử dụng lao động đóng 2/3, người lao động đóng 1/3, đối với các đối tượng: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền công; cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan; hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ thuật thuộc lực lượng Công an nhân dân; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
– Đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương hưu hoặc trợ cấp, do cơ quan BHXH đóng, đối với các đối tượng: người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
– Đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương tối thiểu, do Ngân sách Nhà nước đóng đối với các đối tượng: người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm; người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội, Công an và Cơ yếu; trẻ em dưới 6 tuổi; người đã hiến bộ phận cơ thể người; lưu học sinh nước ngoài; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng; thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; người lao động được hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
– Đóng sáu tháng hoặc một năm một lần, mức đóng một tháng bằng 4,5% mức lương tối thiểu và được nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng đối với đối tượng thuộc hộ cận nghèo; tối thiểu 30% mức đóng đối với hộ gia đình nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình từ ngày 01/01/2012.
– Đóng sáu tháng hoặc một năm một lần, mức đóng một tháng bằng 3% mức lương tối thiểu và được nhà nước hỗ trợ tối thiểu: 50% mức đóng đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo; 30% mức đóng đối với học sinh, sinh viên không thuộc hộ cận nghèo.
– Đóng hằng tháng bằng 3% mức lương tối thiểu đối với thân nhân người lao động, người sử dụng lao động trích tiền lương, tiền công của người lao động để đóng từ ngày 01/01/2014.
– Đóng sáu tháng hoặc một năm một lần, mức đóng một tháng bằng 4,5% mức lương tối thiểu đối với xã viên HTX, hộ kinh doanh cá thể, do đối tượng tự đóng từ ngày 01/01/2014.
– Đóng sáu tháng hoặc một năm một lần, mức đóng một tháng bằng 4,5% mức lương tối thiểu đối với đối tượng tự nguyện tham gia BHYT và do đối tượng đóng.
Trên đây là các quy định cơ bản và chung nhất về đối tượng, mức đóng, phương thức và trách nhiệm đóng BHYT mới nhất đối với bảo hiểm y tế cho tất cả các đối tượng. Nếu Quý khách hàng còn có những vướng mắc gì chưa rõ Quý khách hàng có thể liện hệ với kênh tư vấn pháp luật chuyên sâu của chúng tôi để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.
——————
Phòng tư vấn và biên tập công ty luật Phamlaw.