Tặng cho quyền sử dụng đất không đúng hình thức pháp luật quy định

Tặng cho quyền sử dụng đất không đúng hình thức pháp luật quy định

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi muốn hỏi luật sư một việc:

Cha mẹ tôi có một mảnh đất là đất nông nghiệp, diện tích khoảng 2 sào rưỡi (sổ đỏ đứng tên cha tôi). Từ 1993 đến 1995, cha mẹ để hai anh em làm chung; đến năm 1996 cha mẹ bảo chia ra 2 phần: phần sau cho anh trai phần trước có mặt tiền cho tôi, đồng thời hứa cho tôi và anh trai luôn. Khi đó 2 anh em tôi đều đã ở riêng.

Năm 2009, cha tôi bị tai biến mạch máu não, mẹ tôi bảo vợ chồng tôi tới chăm sóc nấu ăn, trông coi nhà cửa cho cha mẹ. Năm 2010, mẹ tôi bảo anh trai mang sổ đỏ đến Ủy ban xã tách thửa, anh trai đã gọi tôi lên ký tên; bên xã cũng xuống nhà cha mẹ tôi đo đạc và bảo cha mẹ ký tên. Nhưng thời gian này, anh trai tự ý lên UBND xã muốn chia thêm 150 m2 đất thổ cư, UBND Xã họ không dám làm vì đó là phần đất của tôi ở mặt trước 300m2 thổ cư. Vậy mà anh trai tôi tự ý lấy sổ đỏ về không chịu tách sổ nữa mà không cho tôi biết. Tôi cũng lo làm ăn, cứ nghĩ từ từ UBND xã sẽ làm sổ đỏ.

Đầu năm 2016, cha me tôi không muốn vợ chồng tôi ở chăm sóc nữa, đuổi vợ chồng tôi về nhà, bảo anh trai tôi xuống chăm sóc cho đến nay. Lúc này mẹ bảo tôi trả lại một phần mảnh đất lúc trước cha mẹ hứa cho tôi để lại cho anh trai hết. Hiện tại bây giờ anh trai tôi mang giấy tờ lên UBND xã sang tên cho mình đứng tên mà không cho tôi biết.

Vậy tôi muốn hỏi luật sư:

  • Nếu anh trai tôi muốn sang tên từ cha hoặc mẹ tôi có được không? Cha hoặc mẹ tôi có thể đi chúc để lại hết toàn bộ mảnh đất cho anh trai tôi đứng tên có được không?
  • Anh trai tôi tự ý lấy sổ đỏ về khi cha mẹ tôi đã phân chia rồi có là vi phạm luật đất đai không?
  • Bây giờ tôi phải làm gì để lấy lại phần đất cha mẹ hứa cho lúc trước?

Mong các Luật sư tư vấn cho tôi. Chân thành cảm ơn Luật sư.

(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw)

Tặng cho quyền sử dụng đất không đúng hình thức pháp luật quy định
Tặng cho quyền sử dụng đất không đúng hình thức pháp luật quy định

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Phamlaw.

Quyền sử dụng đất là một loại tài sản đặc biệt. Pháp luật về đất đai của Việt Nam cũng như những ngành luật liên quan khác quy định rất rõ ràng hình thức của những giao dịch về đất đai. Dưới đây Phamlaw xin đưa ra quan điểm tư vấn đối với câu hỏi của bạn như sau:

Thứ nhất, về việc anh trai có được quyền sang tên giấy chứng nhận từ cha hoặc mẹ hay không?

Theo quy định của pháp luật đất đai và các ngành luật liên quan khác, quyền sử dụng đất có thể được chuyển từ người sử dụng đất này sang người sử dụng đất khác trong các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế… hoặc qua bản án, quyết định của Tòa án. Cụ thể Luật đất đai 2013 quy định: “Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất.” Ngoài ra, thông qua bản án của Tòa án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, người sử dụng đất được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.

Như vậy thì anh trai bạn có thể được sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng trên cơ sở hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thông qua di chúc.

Pháp luật dân sự quy định về di chúc như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Di chúc hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau:

  • Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
  • Nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc trong trái quy định của luật.

Khi một người để lại di chúc, và di chúc này đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực trên, thì di sản được chia theo di chúc, trừ một số trường hợp có người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Căn cứ vào những quy định trên, thì nếu cha mẹ bạn để lại di chúc với nội dung để lại toàn bộ thửa đất cho người anh trai, đồng thời di chúc là hợp pháp, thì quyền sử dụng đất trên được phân chia theo di chúc đó.

Thứ hai, về việc anh trai bạn tự lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về trong khi cha mẹ đã phân chia

Theo thông tin bạn cung cấp, thì người anh trai đã mang Giấy chứng nhận đến Ủy ban nhân dân xã làm thủ tục, và Ủy ban nhân dân xã đã tiến hành đo đạc, nhưng sau đó anh bạn rút sổ về. Pháp luật hiện tại không quy định về trường hợp rút lại yêu cầu khi đang làm thủ tục tách thửa, nhưng không cấm việc người sử dụng đất ngừng thực hiện thủ tục về đất đai. Việc anh trai bạn mang sổ về là không vi phạm pháp luật về đất đai.

Thứ ba, làm gì để lấy lại phần đất bố mẹ cho lúc trước?

Như đã nêu ở trên, thì việc chuyển quyền sử dụng đất thông qua chuyển nhượng, tặng cho… phải thể hiện bằng hình thức mà pháp luật quy định. Cụ thể, điểm a khoản 3 điều 167 Luật đất đai quy định: “3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;”

Theo thông tin bạn cung cấp, thì thời điểm cha mẹ bạn muốn tách thửa chia đất chưa làm một văn bản nào về việc tách thửa mà chỉ nói miệng, do đó không có hiệu lực.

Trên đây là những ý kiến tư vấn của PHAMLAW trả lời thắc mắc về: “Tặng cho quyền sử dụng đất không đúng hình thức pháp luật quy định” Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với tổng đài tư vấn thủ tục hành chính  hoặc bộ phận tư vấn pháp lý chuyên sâu 1900 của PHAMLAW. Để được tư vấn các dịch vụ cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; đăng ký biến động đất đai khi thế chấp, chuyển mục đích sử dụng đất…, Quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

 > Xem thêm:

 

5/5 - (1 bình chọn)