Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ

Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ

Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ email Hanhpham…@gmail.com với nội dung câu hỏi như sau:

Khi ký kết hợp đồng lao động, tôi có đồng ý thỏa thuận với công ty không làm việc cho công ty đối thủ, không được tiết lộ danh sách các nhà cung cấp và khách hàng, các chiến lược tiếp thị, quảng cáo và kinh doanh của công ty. Tôi muốn hỏi là thỏa thuận này giữa tôi với công ty có hợp pháp không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật lao động 2019

Nghị định 75/2019/NĐ-CP

Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ có hợp pháp không?

Trong hoạt động kinh doanh, mỗi doanh nghiệp luôn sở hữu cho mình những bí mật kinh doanh riêng nhằm tạo ra lợi nhuận và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Đây là yếu tố quan trọng quyết định phần lớn sự thành công của một thương hiệu. Bí mật kinh doanh có thể liên quan đến các loại thông tin khác nhau như kỹ thuật và khoa học (công thức sản xuất, cấu tạo kỹ thuật, mã máy tính, dữ liệu thử nghiệm,…); thương mại (danh sách các nhà cung cấp và khách hàng, các chiến lược tiếp thị, quảng cáo và kinh doanh, kết quả nghiên cứu thị trường, phương pháp bán hàng,…); tài chính (cơ cấu giá nội bộ, danh mục giá,…); thông tin phủ định (tình trạng bế tắc trong nghiên cứu, các giải pháp kỹ thuật đã bị rút bỏ,…).

Những thông tin độc quyền và các bí mật kinh doanh trên thương trường được được xem là tài sản có giá trị vô cùng lớn, là yếu tố giúp xây dựng thương hiệu vững mạnh. Do vậy, khoản 2 Điều 21 Bộ luật lao động 2019 có quy định: “Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.”

Trên cơ sở quy định này, nhiều doanh nghiệp và người lao động đã tiến hành ký cam kết về việc không làm việc cho đối thủ trong một thời gian nhất định để đảm bảo người lao động không thể tiết lộ bí mật kinh doanh, công nghệ của doanh nghiệp cho đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, trường hợp người lao động và người sử dụng lao động đều tự nguyện xác lập cam kết không làm việc cho công ty đối thủ thì đây được coi là thỏa thuận hợp pháp. Nếu vi phạm cam kết, người lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động theo mức phạt đã thỏa thuận.

Từ những quy định trên có thể thấy, nội dung mà mà bạn với công ty thỏa thuận trong hợp đồng lao động nêu trên chính là thỏa thuận giữa các bên. Nếu thỏa thuận này được hai bên đồng ý ký kết vào hợp đồng và phù hợp quy định pháp luật thì nội dung này sẽ ràng buộc các bên thực hiện theo đúng cam kết đã ký. Để tránh việc ký kết hợp đồng lao động có những điều khoản gây thiệt hại cho người lao động, người lao động cần đọc kỹ các điều khoản mà người sử dụng lao động đưa ra. Các bên có thể cùng trao đổi và thống nhất về nội dung thỏa thuận để phù hợp với quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên. Việc đồng ý hay không đồng ý tham gia vào hợp đồng lao động, mà cụ thể ở đây là bao gồm cả điều khoản về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ hoàn toàn do người lao động tự mình quyết định. Nếu đã đồng ý ký kết mà vi phạm điều khoản trong hợp đồng thì phải bồi thường theo thỏa thuận.

2. Xử phạt đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của người lao động

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Theo khoản 1 Điều 10 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền tự do chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Đồng thời khoản 6 Điều 9 Luật Việc làm 2013 cũng nghiêm cấm hành vi cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động. Chính vì vậy, người sử dụng lao động không thể bắt người lao động cam kết không làm việc cho công ty đối thủ. Tuy nhiên, nếu người lao động làm công việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người đó về thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và vấn đề bồi thường khi vi phạm. Vậy việc xử phạt đối với hành vi tiết lộ bi mật kinh doanh của người lao động được pháp luật quy định như sau:

Thứ nhất: Theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.

Như vậy, theo quy định định trên, doanh nghiệp có thể xử lý kỷ luật người lao động ở mức cao nhất là sa thải nếu người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh

Thứ hai: Căn cứ quy định tại Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

– Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh mà chưa được sự cho phép sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 150 triệu đồng.

Thứ ba: Căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định về xử lý bồi thường thiệt hại khi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ như sau:

Khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:

+ Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động 2019;

+ Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.

Người lao động có nghĩa vụ bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng lao động và cả thời gian sau khi chấm dứt hợp đồng lao động trong thời hạn 2 bên thỏa thuận. Nếu vi phạm, tùy từng trường hợp mà có phương thức xử lý tương ứng.

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)